Đề xuất có quy định riêng về chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ với nhà giáo
Trường THCS Mỗ Lao đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn Lao động thử việc có được hưởng lương tháng 13 không? Năm 2023: Áp dụng hàng loạt chính sách mới về tuổi nghỉ hưu, lương hưu |
Bộ Tư pháp vừa tổ chức thẩm định đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo, với nhiều đề xuất quan trọng liên quan đến chế độ, chính sách của nhà giáo.
Tuyển dụng, bố trí, điều động giáo viên còn nhiều vướng mắc, bất cập
Tính đến cuối năm học 2021-2022, toàn quốc có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập, từ mầm non tới đại học, phổ thông đến hệ thống dạy nghề.
Tại phiên họp, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn xác định lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, cốt lõi nhất quyết định chất lượng giáo dục. Vì vậy, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành Giáo dục.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay, việc có một luật riêng điều chỉnh về nhà giáo là hết sức cần thiết để nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho ngành, cho đất nước.
Ảnh minh họa. |
Trong Tờ trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, giáo dục, lao động sư phạm của nhà giáo là lao động đặc biệt, từ đối tượng, công cụ, qui trình cho đến sản phẩm đều do con người thực hiện và trực tiếp tác động đến con người, giúp cho con người sống hạnh phúc, có ích hơn. Đồng thời, lao động sư phạm của nhà giáo cũng góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho đất nước.
Chất lượng của một hệ thống giáo dục phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đặt ra về giáo dục, đào tạo con người, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước thì cần phải có các chính sách tổng thể, có cơ chế và môi trường phù hợp với đặc thù lao động sư phạm của nhà giáo.
Trong khi đó, việc thực hiện, tuyển dụng, bố trí, điều động giáo viên tại các địa phương, cơ sở giáo dục còn nhiều vướng mắc, bất cập. Việc bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên và thực hiện cơ chế tuyển dụng giáo viên như những viên chức thông thường đã và đang bộc bộ một số hạn chế.
Bên cạnh đó, các chính sách tiền lương mặc dù đã được quan tâm nhưng còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với vị trí, vai trò của nhà giáo; chưa tạo động lực để nhà giáo gắn bó với nghề. Nếu coi nhà giáo là nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, là "nhân lực của nhân lực" thì điều kiện làm việc của nhà giáo cần có sự sáng tạo, chính sách tiền lương, các chế độ đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng đối với nhà giáo cũng cần có các quy định riêng, tương xứng với vị thế và đặc thù lao động của nhà giáo...
Đảm bảo nhà giáo được xếp lương phù hợp
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất luật hóa nhiều chính sách, trong đó quy định tiền lương của nhà giáo thực hiện theo quy định của Nhà nước và do Chính phủ quy định nhưng đảm bảo nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
Đồng thời từng bước nâng cao, có những ưu đãi cụ thể dành cho nhà giáo giỏi, xuất sắc, nhà giáo trực tiếp đứng lớp. Bổ sung quy định các cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào các quy định của nhà nước có liên quan, tự chủ xác định biện pháp phân chia thu nhập nội bộ, phân phối thu nhập tiền lương phù hợp với đặc điểm ngành của các cơ sở giáo dục đại học.
Nhà giáo công tác tại trường chuyên, trường năng khiếu, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường, lớp dành cho người khuyết tật, trường giáo dưỡng hoặc trường chuyên biệt khác, nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập được hưởng chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi.
Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về chế độ phụ cấp và các chính sách khác đối với nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Bổ sung quy định về các phụ cấp khác như trợ cấp khu vực, trợ cấp nhà ở, trợ cấp y tế, trợ cấp hưu trí... đối với nhà giáo.
Theo cơ quan soạn thảo, các quy định này nhằm đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, có tính toán đến yếu tố đặc thù ngành để nhà giáo yên tâm công tác. Tạo điều kiện cho nhà giáo công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận đầy đủ về chính sách, có các hỗ trợ đặc thù để thu hút nhà giáo về công tác; tạo sự thu hút đối với sinh viên giỏi tham gia học Sư phạm để trở thành nhà giáo...
Tại phiên họp, một số ý kiến cho rằng, cần đánh giá chi tiết các hạn chế, bất cập trong hệ thống chính sách, pháp luật về nhà giáo hiện nay để làm nổi bật sự cần thiết phải xây dựng Luật Nhà giáo; bổ sung các chính sách đặc thù đối với nhà giáo thực hiện các công việc giáo dục - giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...
Theo đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, đối với cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập cần có quy trình tuyển dụng, thuyên chuyển công tác riêng phù hợp với đặc trưng của từng loại hình cơ sở giáo dục. Đồng thời làm rõ khái niệm nhà giáo, rà soát các chính sách hỗ trợ về nhà ở, nhà công vụ cho nhà giáo với các quy định tại Luật Nhà ở; đánh giá chi tiết tác động của các chính sách đến kinh tế - xã hội...
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị ban soạn thảo cân nhắc phạm vi điều chỉnh của Luật; làm rõ mục tiêu, nội dung, giải pháp và tác động của các chính sách được đề xuất; rà soát sự phù hợp với các quy định pháp luật liên quan và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.