Để công viên thực sự là không gian xanh
Cận cảnh Công viên Cầu Giấy khi tháo rào sắt phục vụ người dân Hà Nội: Công trình bãi đỗ xe ngầm công viên Thủ Lệ gây ảnh hưởng đời sống dân sinh |
Đáp ứng nguyện vọng của người dân
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 63 công viên, vườn hoa phục vụ công ích do Thành phố và UBND cấp huyện quản lý theo phân cấp. Ngoài ra còn có các công viên, vườn hoa do các chủ đầu tư dự án tại các khu đô thị tự quản lý. Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU, ngày 6/9/2021 của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND ngày 31/12/2021 về việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Thời gian qua, nhiều công viên trên địa bàn Thủ đô đã thực hiện cải tạo, nâng cấp, nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ người dân. Sau khoảng 5 tháng thực hiện cải tạo, nâng cấp, gỡ bỏ hàng rào công viên Thống Nhất đã thực sự trở thành không gian cởi mở, thân thiện... Người dân được tự do ra vào, tham gia các hoạt động vui chơi, tập thể dục mà không phải mua vé. Lượng người vào công viên nhiều hơn nhưng vẫn bảo đảm trật tự an ninh và vệ sinh, an toàn. Công viên đã phát huy tối đa công năng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí.
Việc cải tạo, nâng cấp giúp các công viên đã phát huy tối đa công năng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân. |
Chị Phạm Thị Vân (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) cho biết, từ khi công viên được cải tạo, hàng rào được gỡ bỏ, không gian công viên rộng hơn. Công viên trở lại đúng với chức năng không gian công cộng của đô thị, tạo điều kiện để người dân được nghỉ ngơi, thư giãn, rèn luyện sức khỏe trong một không gian xanh, gần gũi với thiên nhiên.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Hải (quận Hai Bà Trưng) bày tỏ: “Việc công viên, vườn hoa xóa bỏ rào chắn ngoài lợi ích về không gian cảnh quan, giúp công viên thân thiện hơn còn giúp người dân từng bước thay đổi ý thức, thể hiện trách nhiệm trong việc gìn giữ cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp”.
Trước những tín hiệu tích cực sau khi một số công viên trên địa bàn Thủ đô thực hiện gỡ bỏ rào chắn, người dân bày tỏ mong muốn không chỉ gỡ bỏ hàng rào của các công viên mà tất cả những khuôn viên công cộng cũng cần tạo không gian mở, phục vụ nhu cầu chính đáng, lành mạnh, thiết yếu của nhân dân sau những giờ lao động, làm việc vất vả. Nếu việc gỡ bỏ hàng rào công viên nói riêng, tạo dựng không gian mở cho các công trình công cộng nói chung được thực hiện trên pham vi rộng thì sẽ giúp phát huy tối đa công năng của hệ thống vườn hoa, công viên và các không gian công cộng.
Cần siết chặt quản lý
Thực tế cho thấy, việc dỡ đoạn hàng rào bao quanh công viên Thống nhất đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân. Đa số người dân ủng hộ và cho rằng không gian công viên thoáng đãng, thuận tiện hơn sau khi dỡ rào. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV công viên Thống Nhất Trần Anh Tú chia sẻ: Công viên ghi nhận việc gia tăng lượng khách từ 20 đến 30% so với trước đây, trong đó có nhiều khách nước ngoài. Tuy nhiên, khi dỡ rào một phần công viên, công tác quản lý khá vất vả do tình trạng một số người dân thiếu ý thức điều khiển xe máy, xe đạp đi thẳng từ ngoài đường vào công viên.
Ảnh minh họa. |
Trước tình trạng này, công viên Thống Nhất phải phối hợp với công an 2 phường sở tại là Nguyễn Du và Lê Đại Hành, cùng Công an quận Hai Bà Trưng để tăng cường công tác quản lý trật tự khu vực công viên. “Cùng với việc phối hợp với công an các phường giáp ranh bảo đảm trật tự an ninh công viên, chúng tôi cũng tăng cường lực lượng bảo vệ và hệ thống chiếu sáng, tuyên truyền người dân cùng tham gia bảo đảm an ninh trật tự”, ông Tú cho hay.
Cũng là một trong số những công viên được mở rào, ghi nhận của phóng viên cho thấy, tại công viên Cầu Giấy, đoạn hàng rào được tháo dỡ, mở toang để người dân có thể ra, vào công viên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khu vực vỉa hè xung quanh công viên bị chiếm dụng làm nơi đỗ xe, bán hàng gây cản trở cho việc đi lại của người dân. Cùng với đó là tình trạng xả rác bừa bãi, nguy cơ mất an toàn và vệ sinh môi trường khi chó thả rông, không đeo rọ mõm thường xuyên xuất hiện, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân tập thể dục cũng như khách đến thăm.
Đại diện quận Cầu Giấy thông tin, sau khi nhận phản ánh về tình trạng mất trật tự đô thị xung quanh khu vực được hạ rào ở công viên Cầu Giấy, UBND quận đã kiểm tra, xử lý những trường hợp dừng đỗ phương tiện, bán hàng rong không đúng quy định. Hiện, lực lượng chức năng cũng rất chú trọng tới việc tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực này.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Đào Văn Tài (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc chuyển sang mô hình công viên mở tại Hà Nội là đúng đắn và cần phải được triển khai, nhân rộng để đảm bảo lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, theo Luật sư Tài, cần xây dựng lộ trình, kịch bản đầy đủ để đảm bảo về quản lý đô thị cho việc hạ rào, tăng không gian xanh cho các công viên.
Cụ thể, các cơ quan có thẩm quyền cần có các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm và duy trì lực lượng giám sát thường xuyên. Bởi, một công viên rộng tới hàng chục hecta mà chỉ có công an phường và nhân viên bảo vệ tuần tra, nhắc nhở thì việc xử lý vi phạm gặp khó khăn. Do vậy, luật sư đề nghị cần tăng quân số, tăng mức đãi ngộ gắn với trách nhiệm cho nhân viên an ninh, lực lượng bảo vệ. Khi gặp các trường hợp vi phạm, cần nghiêm khắc nhắc nhở. Còn với những trường hợp cố tình vi phạm thì lực lượng bảo vệ cần phối hợp chính quyền địa phương để xử phạt nghiêm, tạo tính răn đe.
Bên cạnh lực lượng an ninh, luật sư Đào Văn Tài cho rằng, việc tăng cường các biển bảng chỉ dẫn cũng rất quan trọng. Những tấm biển tuyên truyền quy định pháp luật, các chế tài xử phạt được lắp đặt ở nhiều vị trí thay vì chỉ một vài biển bảng ở cổng vào như hiện nay, cộng với hệ thống camera theo dõi sẽ có tác động nhất định đến ý thức người dân.
N.Hoa - Lê Thắm