Đặt người dân vào vị trí trung tâm để lấy ý kiến quy hoạch sử dụng đất
Luật Đất đai (sửa đổi): Cần làm rõ hơn phương pháp xác định giá đất Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp |
Bồi thường đất nông nghiệp tính theo bảng giá
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đa số các đại biểu đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các Bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý dự án Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng.
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết và dự thảo Luật lần này chi tiết hơn, cụ thể hơn so với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lấy ý kiến Nhân dân.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, một số quy định trong dự thảo vẫn còn chung chung, chưa cụ thể; chưa thể chế đầy đủ các chính sách mới trong Nghị quyết số 18-NQ/TW. Do đó, cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hóa chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả. Đồng thời, khắc phục những vấn đề còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất.
Đại biểu Trần Thị Vân cũng đề nghị bổ sung một số khái niệm như: “Đất khai hoang”; “Nguồn gốc sử dụng đất”; “Sử dụng chung”; “Đất đang có tranh chấp”. Theo đại biểu, đây là những khái niệm có rất nhiều trong dự thảo Luật nhưng chưa có nội dung giải thích rõ ràng. Đại biểu dẫn chứng, đối với khái niệm “đất đang có tranh chấp” thì khi nào thì có thể xác định một thửa đất đang trong tình trạng “đất không có tranh chấp” vì đây vấn đề vô cùng quan trọng để xác định quyền của người sử dụng đất trên thực tế.
Đại biểu Trần Thị Vân phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: QH |
Về giá đất cụ thể, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, nếu tính giá đất cụ thể để bồi thường khi thu hồi đất thì tất cả các dự án khi thu hồi đất đều phải xác định giá đất cụ thể trước khi thu hồi. Điều này sẽ làm cho công tác giải phóng mặt bằng bị chậm và khó đảm bảo tiến độ.
Mặt khác, nếu trong cùng một khu vực cấp huyện nhưng giá đất bồi thường mỗi dự án khác nhau sẽ không công bằng đối với người sử dụng đất hoặc gây khiếu kiện. Do đó, đề nghị sửa theo hướng giá tính tiền bồi thường đất nông nghiệp tính theo bảng giá; bồi thường đất ở, đất phi nông nghiệp tính theo giá cụ thể…
Đặt người dân vào vị trí trung tâm
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) đánh giá cao hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội, với nhiều quy định được bổ sung trên cơ sở ý kiến của cử tri và Nhân dân, có sự sàng lọc, đánh giá tương đối sâu sắc về từng nhóm vấn đề.
Liên quan đến việc thu hồi, trưng dụng đất vì mục đích quốc phòng an ninh, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, nội dung này được quy định và liệt kê rất kỹ tại Điều 79, 80 của dự thảo Luật, song việc liệt kê quá kỹ sẽ dễ dẫn đến không đầy đủ và trở thành quy định cứng nhắc, như vậy sẽ rất khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, quy định phù hợp để tạo thuận lợi khi áp dụng vào thực tiễn.
Đối với việc thu hồi đất ở các khu vực có dự án thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh và đất thu hồi đối với các dự án do doanh nghiệp tự thỏa thuận, đại biểu cho rằng, việc xác định giá đất để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ở đây là rất khó, dễ dẫn đến phát sinh khiếu kiện, điểm nóng.
Do vậy, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị cần có quy định cụ thể đối với nội dung này. Bởi thực tế hiện nay ở nhiều địa phương, các dự án treo còn tồn tại rất nhiều. Do vậy, việc quy định về thu hồi đối với các dự án có vi phạm, không phát huy hiệu quả hoặc không bảo đảm theo điều kiện được cấp phép ban đầu cần quy định cụ thể và có cơ chế để các địa phương thu hồi đất phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Liên quan đến thực hiện tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết, theo quy định thì “nơi tái định cư nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi cũ”, nhưng để xác định được thế nào là bằng, thế nào là tốt hơn là rất khó vì liên quan đến nhiều vấn đề như phong tục tập quán, sinh kế... Ví dụ như nơi ở cũ của người dân có thể không đẹp, hạ tầng không tốt, nhưng ở đó người dân có đất rộng để sản xuất, mưu sinh tốt hơn, còn khi về nơi ở mới có thể các vị trí đất đẹp hơn, thế nhưng lại không phù hợp với phong tục tập quán canh tác của người dân... Chính vì vậy, để xác định thế nào là hơn thì cũng rất khó, do đó cần phải có những quy định rất cụ thể để triển khai.
Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) cho rằng, quy định lấy ý kiến cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là khá chung chung, không rõ đối tượng, do đó cần đặt người dân vào vị trí trung tâm để lấy ý kiến khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Đồng thời, đại biểu Trần Nhật Minh cũng đề nghị sửa cụm từ “cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” thành “người dân trong vùng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” để bảo đảm việc lấy ý kiến người dân tại các vùng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
Ngoài ra, để Nhân dân có điều kiện giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thì cần bổ sung quy định khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng phải đăng công khai để người dân nắm được, tránh tình trạng chỉ công bố quy hoạch ban đầu, nhưng khi điều chỉnh thì người dân không nắm được…