Đánh giá kỹ tác động của hai đề xuất về rút bảo hiểm xã hội một lần
Sẽ xử lý nghiêm các hành vi trục lợi Quỹ BHXH, BHYT Cảnh báo: Mạo danh người của BHXH hỗ trợ cấp lại mật khẩu VssID để lừa đảo 3 quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện |
Hai phương án về rút BHXH một lần
Bộ Tư pháp vừa thẩm định dự án Luật BHXH (sửa đổi), do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo. Nhiều nội dung quan trọng đã được các đại biểu phân tích, thảo luận, trong đó có quy định về hưởng BHXH một lần và giảm số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu.
Trong Tờ trình Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, sau 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, khoảng 4,5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần, trong đó có gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận BHXH một lần tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và tiếp tục tham gia BHXH, chiếm gần 28% tổng số lượt người nhận BHXH một lần giai đoạn 2016-2022.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Cụ thể như: Điều kiện hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống 15 năm; người lao động có thêm sự lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Về quy định hưởng BHXH một lần, Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án để xin ý kiến. Phương án 1 là: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm".
Phương án 2 là: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH".
Ảnh minh họa. Ảnh: VGP |
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, quy định về hưởng BHXH một lần theo Luật BHXH 2014 làm phát sinh một số hệ lụy, ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh bền vững cho người dân, vì vậy cần sửa đổi theo Phương án 2, nhưng đề xuất điều chỉnh theo hướng bỏ quy định chờ sau 12 tháng.
Cụ thể là: “Có thời gian đóng BHXH chưa đủ 15 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu. Thời gian bảo lưu này không được tính cho lần hưởng BHXH một lần tiếp theo, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d khoản này”.
Đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động
Về đề xuất sửa điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, có trên 500 nghìn người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên, trên 70 nghìn người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc, trên 20 nghìn người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương.
Nếu vẫn quy định thời gian tối thiểu 20 năm tham gia BHXH thì những người này khó có cơ hội nhận lương hưu. Vì vậy, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng.
Quy định này sẽ tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hàng tháng, thay vì họ phải nhận BHXH một lần.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, với quy định nêu trên, mức lương hưu của những người này có thể thấp hơn những người có thời gian đóng dài nếu tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc hoặc thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện là như nhau. Tuy nhiên, những trường hợp này trước đây không đủ điều kiện hưởng lương hưu, họ nhận BHXH một lần (nếu không lựa chọn tự nguyện đóng một lần cho thời gian còn thiếu), nay sẽ có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng.
Như vậy, cho dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ BHXH mua bảo hiểm y tế thì sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, bảo hiểm xã hội một lần là chính sách lớn, là vấn đề phức tạp. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo phải nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ tác động của mỗi phương án, quan điểm lựa chọn của mình và rà soát, bổ sung quy định cụ thể, chi tiết hơn. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội một lần…