Đại biểu đề xuất bảng giá đất được xây dựng theo chu kỳ 2 năm/1 lần
Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu đã cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - dự án Luật đang đặc biệt thu hút sự quan tâm, góp ý của các tầng lớp nhân dân.
Nêu rõ các phương pháp định giá
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) cho biết, trước khi Dự thảo Luật Đất đai lấy ý kiến nhân dân đến giờ có rất nhiều ý kiến đại biểu cũng như cử tri về việc cần thiết xác định các phương pháp xác định giá đất trong Luật.
“Để Dự án Luật mang tính hiệu lực cao, tôi tiếp tục trân trọng đề nghị cơ quan soạn thảo nêu rõ các phương pháp định giá và trường hợp áp dụng trong luật, đối với các nội dung cụ thể và cách tính thì mới giao Chính phủ quy định, đồng thời cân nhắc việc quy định bảng giá đất ổn định trong thời kỳ trung hạn, ví dụ là 3 năm thay vì 1 năm theo đề xuất vì sẽ mất nhiều thời gian và nguồn lực”, đại biểu nói.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh). Ảnh: Quốc hội |
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban soạn thảo đã chỉnh lý, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của các cơ quan thẩm tra, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và đông đảo ý kiến của cử tri và nhân dân qua các lần lấy ý kiến góp ý. “Dự án luật lần này thực sự đã có nhiều thay đổi nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc từ thực tiễn để phát huy nguồn lực đất đai”, đại biểu nhìn nhận.
Theo đại biểu Tạ Thị Yên, về cơ bản, bà đồng tình với nguyên tắc căn cứ phương pháp định giá đất được quy định ở Điều 154. Song, đại biểu cho rằng, nếu coi giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực là một trong những thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất quy định tại khoản 3 thì khó có thể chính xác, đảm bảo nguyên tắc là xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường.
Thực tế cho thấy, giá đất ghi trên các hợp đồng chuyển nhượng, kể cả công chứng thường có sự chênh lệch bằng hoặc là thấp hơn giá trị bảng giá đất được ban hành. Do đó, nên coi kết quả xác định giá đất do tổ chức tư vấn định giá đất thực hiện là một trong những căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định giá đất.
Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) góp ý, về nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất, cần nghiên cứu tính khả thi và tính xác thực về thông tin đầu vào. Đại biểu cũng cho rằng, căn cứ vào giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được công chứng, chứng thực, sẽ bị vướng về tính sát thực do giá ghi trên hợp đồng công chứng, chứng thực thường không sát với thực tế giao dịch.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc hội |
Cũng theo đại biểu Lê Minh Nam, đối với trường hợp chưa có thông tin giá đất trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai thì thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát và thông tin về doanh thu, chi phí thu nhập từ việc sử dụng đất theo thị trường - điều này theo đại biểu là chưa đủ cơ sở cụ thể để tổ chức thực hiện, vì nó chỉ mang tính chất nguyên tắc và cũng không dễ để cụ thể hóa.
Về bảng giá đất, đại biểu cho rằng, cần xem xét tính khả thi của quy định xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất cũng như hiệu quả của phương pháp này. “Hiện tại đang có 5 phương pháp định giá đất theo quy định tại Nghị định số 44/2014/NĐ-CP thì có nên đánh giá hiệu quả thực tiễn, nếu vận hành tốt thì mới đưa vào trong quy định của luật”, đại biểu nói.
Bảng giá đất được xây dựng theo chu kỳ là 2 năm/1 lần
Cùng quan tâm đến vấn đề giá đất, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho hay, ông rất tâm đắc khi Dự thảo Luật quy định giá đất thực hiện theo nguyên tắc cơ chế thị trường, phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường. Nhưng giá đất phổ biến trên thị trường hiện nay đang “nhảy múa rất lung tung”, nên việc định theo nguyên tắc cơ chế thị trường về giá đất liền kề và đất thực tiễn là một phương pháp định giá cực kỳ khó khăn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa tâm đắc khi Dự thảo Luật quy định giá đất thực hiện theo nguyên tắc cơ chế thị trường, Ảnh: Quốc hội |
Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cũng nên lưu ý quan tâm đến lĩnh vực này, làm sao để Nhà nước trả tiền đền bù cho dân, Nhà nước thu hồi cũng như Nhà nước tính giá các dịch vụ khác theo nguyên tắc thị trường.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang), đề xuất nên quy định "bảng giá đất được xây dựng theo chu kỳ là 2 năm 1 lần". Theo Luật Đất đai năm 2003 quy định chu kỳ xây dựng bảng giá đất là 1 năm 1 lần, Luật năm 2013 quy định 5 năm 1 lần, đều có những hạn chế nhất định.
Do Dự thảo Luật sửa đổi đã bỏ khung giá đất và cách xây dựng bảng giá khác, xây dựng theo vị trí đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất theo vùng giá trị thửa đất chuẩn. “Do vậy, tôi đề xuất nên xây dựng chu kỳ 2 năm là phù hợp để giảm thiểu chi phí cũng như thời gian, lực lượng tham gia khảo sát xây dựng bảng giá đất”, đại biểu Ma Thị Thúy nói.