Sách giả, sách lậu - Kỳ cuối: Cần có chế tài thật mạnh
Sách giả, sách lậu - Kỳ 2: Các nhà xuất bản loay hoay giữa "cuộc chiến" Sách giả, sách lậu - Kỳ 1: "Bùng nổ" giữa thời đại số |
Với các nhà xuất bản, muốn ra một cuốn sách phải trải qua rất nhiều khâu như mua bản quyền, xin giấy phép, biên tập, chế bản... song với sách lậu thì chỉ mất tiền giấy và công in. Chi phí sản xuất rẻ, thời gian sản xuất nhanh, số lượng sản xuất lớn, bên cạnh đó, số tiền nộp phạt vi phạm hành chính là “chưa thấm vào đâu”, số vụ xử lý hình sự không nhiều thế nên “thị trường sách giả, sách lậu” vẫn thu hút được nhiều người tham gia.
Do đó, một trong những biện pháp đầu tiên để giải quyết vấn nạn này là tăng cường, nâng cao công tác phát hiện và xử lý vi phạm. Trong nhiều năm trở lại đây, Bộ Công an nói chung, Công an thành phố Hà Nội nói riêng đã tập trung, tăng cường theo dõi, siết chặt công tác quản lý hoạt động in ấn. Nhiều đường dây buôn sách lậu, sản xuất sách giả bị bắt và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cuối năm 2022, một vụ sản xuất sách giả lớn do đối tượng Nguyễn Tiến Đạt cầm đầu đã bị Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an thành phố Hà Nội phát hiện và bắt giữ.
Cơ quan công an thu giữ khoảng 100 tấn sách với hơn 400 đầu sách và gần 400.000 cuốn; 2 máy in 4 màu và 1 màu, 37 máy photocoppy, 6 máy cắt, 10 máy bìa, 1 máy ra kẽm, 2 hệ thống cắt gập (2 máy gấp, 2 máy cán) 200 bản kẽm.
Lực lượng chức năng thu giữ hơn 100 tấn sách giả trong vụ sản xuất sách giả do đối tượng Nguyễn Tiến Đạt cầm đầu |
Trước đó, tháng 7/2021, Cục An ninh chính trị nội bộ Bộ Công an và Đội liên ngành phòng chống in lậu thành phố Hà Nội đã kiểm tra, thu giữ khoảng 15 tấn sách, gồm sách giáo khoa sách tham khảo giáo dục có dấu hiệu in lậu tại 2 cơ sở là Công ty Cổ phần in và truyền thông Kết Thành (tổ dân phố Phú Minh, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) và Công ty TNHH in Cao Thuận Phát (số 56, đường bờ sông phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm).
Ngoài hai vụ kể trên, lực lượng công an và các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc khác. Việc xử lý vi phạm về sản xuất, in ấn, tiêu thụ sách giả đã được quy định trong các luật như: Luật Bản quyền, Luật Xuất bản Việt Nam, Công ước Berne, Luật Hình sự...
Về xử lý hành chính, hiện nay, Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định mức phạt tiền thấp nhất là 3 triệu đồng và cao nhất là 200 triệu đồng tùy mức độ, tính chất của sự việc.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các chế tài xử lý hành chính như hiện nay vẫn chưa thực sự hợp lý, mức phạt vẫn còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe bởi nếu trót lọt thì các cơ sở in sách lậu hoàn toàn có thể thu bất chính hàng tỷ đồng lợi nhuận. Và khi bị cơ quan chức năng phát hiện, họ sẵn sàng nộp phạt rồi sau đó lại hoạt động với quy mô lớn hơn, với các thủ đoạn tinh vi hơn.
Ngoài ra, việc xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán sách giả cũng còn nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian và công sức.
Trao đổi với PV Báo Lao động Thủ đô, Luật sư Bùi Thế Vinh – Trưởng văn phòng luật Thái Minh (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, sản xuất hàng giả mà cụ thể ở đây là sách giả, được hiểu là hành vi làm ra những cuốn sách có nhãn mác, kiểu dáng, mẫu mã, nội dung… giống như những ấn phẩm chính thức. Khiến người đọc, người tiêu dùng nhẫm lẫn tưởng rằng đây là xuất bản phẩm được sản xuất từ các nhà xuất bản.
Còn hành vi buôn bán hàng giả là hành vi mua đi bán lại loại hàng hóa biết rõ là giả nhằm thu lời bất chính. Hành vi này bao gồm việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa vào lưu thông.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả đều bị truy tố về tội Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự cơ quan chức năng cần phải chứng minh được đầy đủ các yếu tố cấu thành của tội phạm này.
Luật sư Bùi Thế Vinh (áo xanh) đang trao đổi, tư vấn pháp lý cho khách hàng |
“Một trong những công tác khiến cơ quan điều tra mất nhiều thời gian và công sức đó là việc phải giám định các cuốn sách để có căn cứ chứng minh đó là hàng giả. Cùng với đó, các yếu tố khác như thu lợi bất chính từ hoạt động buôn bán, sản xuất hàng giả, trị giá hàng giả, thiệt hại tài sản đối với bị hại… Do vậy, các vụ buôn bán, sản xuất hàng giả bị xử lý hình sự phải mất rất nhiều thời gian.” - Luật sư Vinh chia sẻ.
Có thể thấy, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sách giả, sách lậu chưa bị đẩy lùi, đó là do các chế tài và mức phạt đối với hành vi này chưa thực sự đủ răn đe trong khi lợi nhuận mà các cơ sở in sách lậu thu được là rất lớn. Thực tế, qua hầu hết các vụ buôn bán sách giả, sách lậu quy mô lớn bị phát hiện thì đa số chỉ bị xử phạt hành chính, rất ít vụ có thể khép vào tội “sản xuất, buôn bán hàng giả”.
Do đó, để triệt để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xây dựng chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm.
Luật sư Vinh kiến nghị: “Hiện nay cần có quy định hướng dẫn bổ sung về khái niệm “hàng giả”. Có thể xây dựng khái niệm hàng giả như sau: “Hàng giả là tất cả các loại hàng hóa được sản xuất trái pháp luật dựa trên các hàng hóa đã có trên thị trường, có những đặc điểm, tính chất, kiểu dáng và các thông tin dấu hiệu của hàng thật nhưng không đủ tiêu chuẩn chất lượng quy định, gây nhầm lẫn với hàng hóa đang được bảo hộ nhằm mục đích lừa dối người tiêu dùng và thu lợi bất chính. Cùng với đó, thay đổi quy định giá trị hàng giả thấp hơn 30 triệu đồng theo hướng hạ thấp phù hợp với thực tế. Bởi theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, thì chỉ những hành vi kinh doanh hàng giả có giá trị tương đương hàng thật từ 30 triệu đồng trở lên hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng phải gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý hành chính hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án thì mới bị xử lý hình sự. Tuy nhiện, thực tiễn thì có nhiều trường hợp việc sản xuất, vận chuyển tiêu thụ sách giả ở mức nhỏ lẻ, dưới 30 triệu đồng nên khó để xử lý hình sự các hành vi này.”