Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo vay tiền trực tuyến
Thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo qua mạng Internet diễn ra phổ biến trên khắp cả nước. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo từ phía cơ quan chức năng nhưng vẫn có rất nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đảo dưới nhiều hình thức.
Thủ đoạn lừa đảo vay tiền trực tuyến, bị ghép ảnh thờ vì nợ quá hạn là một trong 7 hình thức lừa đảo trực tuyến được Cục An toàn thông tin tổng hợp trong series Điểm tin tuần (Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin). |
Một trong những vấn đề khá nhức nhối trong các vụ lừa đảo trực tuyến hiện nay là các đối tượng thường sử dụng tài khoản mạng xã hội ẩn danh, tài khoản ngân hàng không chính chủ… để lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nạn nhân, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình truy vết, điều tra.
Đây cũng là một trong 7 hình thức lừa đảo mới được Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổng hợp trong series “Điểm tin tuần về lừa đảo trực tuyến” từ ngày 27/11 - 3/12.
Theo Cục An toàn thông tin, ngày 28/11, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an thành phố Hồ Chí Minh phát đi thông tin cảnh báo thủ đoạn lừa đảo vay tiền trực tuyến, gán nợ và đe dọa đòi nợ sau khi nhiều người tiếp tục trở thành nạn nhân của tội phạm.
Đánh vào tâm lý cần tiền gấp với thủ tục nhanh gọn, các đối đối tượng lừa đảo đã khiến nhiều người dùng sập bẫy, thực hiện cài đặt các app vay tín dụng về điện thoại theo hướng dẫn mà không biết rằng bản thân đã để lộ, lọt thông tin, hình ảnh cá nhân từ thiết bị; đồng thời, cho phép các đối tượng lừa đảo truy cập danh bạ điện thoại.
Đối với các trường hợp khách vay không trả hoặc cắt liên lạc, nhân viên sẽ truy soát danh bạ, gọi điện thoại cho người thân, bạn bè để yêu cầu nhắc người vay trả nợ. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng lời lẽ thô tục để xúc phạm, đe dọa; thậm chí là ghép ảnh nạn nhân vào ảnh thờ, ảnh nhạy cảm để gửi cho người thân hoặc đăng tải lên mạng xã hội.
Trường hợp người vay bị các đối tượng sử dụng biện pháp bất hợp pháp để khống chế, Thượng tá Đào Trung Hiếu - Tiến sĩ Tội phạm học, Cục Truyền thông Bộ Công an chia sẻ: Trước tiên đã đi vay thì người vay phải có kế hoạch trả nợ đúng hạn. Nếu không trả được nợ, tuyệt đối không vay từ app này để trả nợ cho app khác. Nếu bị de dọa, phải ghi lại các bằng chứng liên quan và trình báo cơ quan chức năng.
Trường hợp bị quấy rối làm nhục trên mạng, người dân phải lưu lại bằng chứng, nhắn tin yêu cầu đối tượng gỡ bỏ trên mạng, gửi các bằng chứng đến cơ quan công an. Thực tế thời gian qua, từ đơn trình báo của người dân, nhiều đường dây cho vay nặng lãi đã bị triệt phá.
Để bảo vệ người dân trước tín dụng đen, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh truyền thông và thay đổi hành vi. Khi tội phạm xảy ra thì chi phí xử lý tốn kém, bởi vậy phòng ngừa chủ động là hết sức quan trọng.
“Hiện nay người dân phải đối mặt với tín dụng đen nói riêng và các trò lừa đảo trên mạng nói chung. Bởi vậy, người dân cần hiểu, trên mạng sẽ có lừa đảo mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản và loại cuối cùng là kết hợp của 2 loại trên. Chúng ta cần có kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn.
Trong đó, không dễ tin bất cứ điều gì đọc được, thấy được, nghe được trên mạng xã hội hoặc qua điện thoại; rèn kỹ năng kiểm chứng thông tin bằng các nguồn khác nhau; nên thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình an ninh trật tự để đúc rút ra những kinh nghiệm phòng chống; khi xảy ra lừa đảo cần trình báo ra cơ quan chức năng, đồng thời đưa ra cộng đồng để có những cảnh báo và lan tỏa để phòng ngừa chủ động tội phạm. Ý thức cảnh giác là “bức tường lửa” đối với tội phạm này”, Thượng tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.
Từ thực trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước những quảng cáo mang tính lôi kéo. Đối với các doanh nghiệp, khi cần nguồn vốn làm ăn, kinh doanh nên liên hệ các tổ chức tài chính được nhà nước cấp phép hoạt động, các ngân hàng để hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi với lãi suất phù hợp theo quy định của nhà nước.
Người dân tuyệt đối không tải hoặc vay tiền qua các ứng dụng di động không rõ nguồn gốc và hoạt động trái phép; không truy cập vào các đường link lạ để tránh bị lộ lọt thông tin, danh bạ và hình ảnh cá nhân trong điện thoại hoặc bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật.
Thời điểm những tháng cuối năm, tình hình lừa đảo trực tuyến ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, một trong những biện pháp cấp thiết đó chính là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng của người dân trong việc tự bảo vệ chính mình trên không gian mạng, kịp thời chủ động phòng tránh để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của lừa đảo trực tuyến. Với mục tiêu trên, Cục An toàn thông tin xây dựng chuỗi series “Điểm tin tuần”, tổng hợp lại các tin tức nổi bật hàng tuần về lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam cùng với các khuyến cáo từ chuyên gia an toàn thông tin. |