Cảnh báo thủ đoạn “giả danh cán bộ” để lừa đảo
Ngăn chặn các vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao: Ý thức người dân vẫn là trên hết! Mất hơn 700 triệu đồng khi làm cộng tác viên kiếm tiền online Cẩn trọng với app lừa đảo đầu tư chứng khoán |
“Luật sư giả” hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo
Đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng đã giả danh luật sư để hỗ trợ thu hồi.
Hiện nay trên mạng xã hội Facebook xuất hiện các tài khoản giả danh luật sư đăng bài hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo. Nhiều người bị lừa đảo thay vì ra cơ quan Công an trình báo sự việc đã liên hệ các tài khoản giả danh luật sư với mong muốn được thu hồi tiền lừa đảo.
Những lời quảng cáo thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trên mạng xã hội |
Các đối tượng sau đó sẽ giả vờ kết nối với bên an ninh mạng và thông báo với nạn nhân số tiền bị lừa đã được kẻ gian chuyển qua hình thức cá cược đặt lệnh trực tuyến với mục đích rửa tiền.
Để thu hồi số tiền đã mất, “luật sư giả” yêu cầu nạn nhân đóng tiền để tham gia vào trò cá cược đặt lệnh. Trong quá trình tham gia, sẽ có đội điều tra công nghệ cao hỗ trợ thay đổi tỉ lệ lệnh để thắng cá cược và thu hồi được tiền bị lừa về.
Khi thấy con mồi đã mắc bẫy, nạp tiền vào thì các đối tượng sẽ thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi. Khi nạn nhân hỏi thì “luật sư giả” nói phải nạp thêm tiền thì hệ thống mới cho rút về.
Công an thành phố Hà Nội đề nghị cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
“Công an xã” hướng dẫn kích hoạt định danh điện tử
Từng được Công an xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội tuyên truyền về thủ đoạn đối tượng xấu giả danh Công an gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt tiền, bà N.T.L (sinh năm 1953, trú ở thôn Đường Nhạn, xã Xuân Nộn), đã tỉnh táo, không mắc bẫy.
Khoảng 10h ngày 16/6, trong khi đang ở nhà thì bà N.T.L nhận được điện thoại của 1 người đàn ông, tự giới thiệu là Công an xã Xuân Nộn phụ trách thôn Đường Nhạn, mời ra trụ sở Công an xã để kích hoạt định danh điện tử.
Bà L. trình báo tại cơ quan Công an |
Cùng với việc thông báo là qua rà soát dữ liệu, xác định bà L. chưa đăng ký, kích hoạt định danh điện tử, cán bộ “Công an xã” còn cho biết bà L. đang bị một ngân hàng có chi nhánh ở quận Tây Hồ đòi nợ số tiền 66 triệu đồng!
Giật mình, bà L. quả quyết chưa bao giờ vay nợ ngân hàng, thì cán bộ “Công an xã” hướng dẫn là sẽ cho số điện thoại của bà L. đến cán bộ Công an thành phố Hà Nội để trao đổi thêm, và sẽ hướng dẫn bà L. làm tường trình, khẳng định không liên quan đến số tiền 66 triệu đồng.
Ít phút sau đó, 1 người khác xưng là “cán bộ Công an thành phố Hà Nội”, gọi điện thoại cho bà L. Sau khi cam kết sẽ hướng dẫn, đảm bảo bà L. vô can trong việc nợ tiền, vị “cán bộ Công an thành phố Hà Nội” yêu cầu bà L. phải chuyển 66 triệu đồng qua tài khoản để chứng minh không nợ tiền. Sau khi chứng minh xong, bà L. sẽ được nhận lại đủ 66 triệu đồng.
Đến lúc này, bà L. tinh ý nhận ra ngay chiêu trò lừa đảo của đối tượng xấu mà bà từng được Công an xã Xuân Nộn đến tận nhà tuyên truyền. Người phụ nữ lập tức tìm cách thông tin đến Công an xã. Và chỉ bằng vài thao tác, Công an xã Xuân Nộn đã cùng bà L. khiến đối tượng xấu không dám tiếp tục liên lạc qua điện thoại.
Trung tá Đinh Văn Khoa - Trưởng Công an xã Xuân Nộn, cho biết, đây là trường hợp lừa đảo đầu tiên ghi nhận ở địa bàn xã, và người dân đã rất cảnh giác, nhờ được tuyên truyền. Tuy nhiên qua sự việc này, Công an xã đã báo cáo cơ quan cấp trên để tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân. Bởi rất có thể, đối tượng xấu sẽ không dừng lại ở xã Xuân Nộn.
Giả danh cán bộ ngân hàng
Ngày 16/6, Công an thành phố Hà Nội cảnh báo, thời gian qua, nắm bắt tâm lý nhiều người dân có nhu cầu vay tiền online để phục vụ cuộc sống, các đối tượng đã giả danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Với quảng cáo thủ tục thuận tiện, giải ngân nhanh trên mạng xã hội, nhiều người đã sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Hiện tại, Công an quận Đống Đa đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 300 triệu đồng với thủ đoạn như trên. Theo đó, vào ngày 8/5, anh Đ (sinh năm 1982; ở quận Đống Đa) có nhận được cuộc điện thoại giới thiệu là nhân viên ngân hàng, đề nghị hỗ trợ vay vốn làm ăn. Do có nhu cầu nên anh đã đồng ý làm thủ tục vay. Sau đó, anh Đ phải đóng 6 triệu đồng để được làm hợp đồng.
Tuy nhiên, các đối tượng thông báo anh gửi sai tài khoản nên phải gửi lại. Sau khi gửi lại, các đối tượng thông báo phải chuyển tiếp 9 triệu đồng để làm bảo hiểm hợp đồng. Chờ mãi không thấy giải ngân, anh Đ lại nhận được yêu cầu phải đóng thêm tiền lãi hằng tháng. Tổng số tiền anh đã chuyển 300 triệu đồng nhưng chưa được giải ngân khoản vay. Lúc này anh Đ mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, người dân cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, app vay tiền. Những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo hiểm để giải ngân có thể là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo.
Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật.