Cần sửa đổi chính sách thuế để gỡ vướng cho doanh nghiệp
Tại đối thoại về thuế, pháp lý và hải quan với chủ đề “Vượt qua thách thức để tăng trưởng”, bà Hương Vũ - Tổng Giám đốc EY Consulting Việt Nam cho rằng, có nhiều vướng mắc trong thực thi chính sách thuế của doanh nghiệp.
Trước tiên là vướng mắc về hoá đơn điện tử. Từ ngày 1/7, hoá đơn điện tử được phủ sóng trên 63 tỉnh thành. Kết quả triển khai toàn quốc đến ngày 15/9, tổng số lượng hóa đơn tiếp nhận và xử lý lên tới hơn 1.365 triệu hóa đơn; trong đó, hóa đơn có mã: 387,7 triệu hóa đơn và hóa đơn không mã: 977 triệu hóa đơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp rất nhiều vướng mắc về hóa đơn khi triển khai, do đó, Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến để sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hoá đơn, chứng từ.
Lấy dẫn chứng sự khó khăn của doanh nghiệp logistics, bà Hương Nguyễn cho hay một ngày loại hình doanh nghiệp này phải vận chuyển rất nhiều chuyến hàng, thế nhưng mỗi chuyến hàng lại yêu cầu một hóa đơn dịch vụ. Điều này gây vất vả cho doanh nghiệp. Nhiều đơn vị băn khoăn liệu có thể lập bảng kê đính kèm hoá đơn hay không. Quy định này hiện vẫn chưa giải quyết được, do đó, đại diện EY đề xuất dự thảo sửa đổi Nghị định 123/2020 về hóa đơn cần bổ sung quy định rõ các trường hợp được lập và không được lập bảng kê đính kèm.
Nhiều chính sách ưu đãi về thuế và tài chính, trợ lực giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. (Ảnh minh họa: BT) |
Về quy định chiết khấu thương mại, theo bà Hương Nguyễn, thời gian vừa qua rất nhiều cục thuế các tỉnh/thành đưa ra những hướng dẫn khác nhau trong tình huống xuất hóa đơn với chiết khấu thương mại, gây nhiều ngỡ ngàng cho cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp lầm tưởng chiết khấu thương mại vào cuối mỗi kỳ bán hàng sẽ ghi số âm đối với giá trị chiết khấu thương mại, Nghị định 123/2020 cho phép khi điều chỉnh được xuất âm nhưng thực tế, các cơ quan thuế hướng dẫn đều không được xuất âm.
Hay doanh nghiệp cũng băn khoăn về việc lệch thời gian, giữa thời điểm ký số với thời điểm lập hóa đơn bao lâu, 1 tuần 2 tuần hay thậm chí cả tháng có vấn đề gì không? Do đó, dự thảo sửa đổi Nghị định 123/2020 cần quy định khoảng thời gian tối đa giữa hai thời điểm ký số và thời điểm lập hoá đơn.
Về thuế nhà thầu nước ngoài, theo bà Hương Nguyễn, dù không có quy định mới thế nhưng đối với hoạt động cung cấp dịch vụ, hàng hóa thông qua những nền tảng thương mại điện tử, website thương mại điện tử của các nhà cung cấp nước ngoài, khi Luật Quản lý thuế hay Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/20/2020 hướng dẫn Luật Quản lý thuế ban hành, dư luận rất xôn xao về việc các nhà cung cấp ở nước ngoài đều phải kê khai, đăng ký thuế trên nền tảng kê khai thuế điện tử, áp dụng riêng đối với nhà cung cấp nước ngoài. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam thắc mắc rằng doanh nghiệp nước ngoài đã tự đăng ký kê khai, doanh nghiệp Việt cần kê khai nữa không?
Ở một số công văn hướng dẫn, cục thuế các tỉnh, thành cho hay nếu nhà cung cấp nước ngoài đăng ký kê, khai thuế và nộp thuế ở Việt Nam thì bên Việt Nam không phải thực hiện kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề hết sức nhức nhối ở đây là trong thuế nhà thầu, bao giờ cũng có 2 khoản, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp. Thông thường, thuế VAT nộp thay cho nhà thầu nước ngoài doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào, căn cứ vào chứng từ, giấy nộp tiền ngân sách nhà nước. Thế nhưng khi nhà cung cấp nước ngoài tự kê khai cho nên doanh nghiệp không có chứng từ này. Trong khi đó cục thuế địa phương đang hướng dẫn không được khấu trừ, đây cũng là một điểm vướng mắc, vì vậy, cần phải thay đổi cho phù hợp.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp đang chờ đợi và hy vọng Nghị định sửa đổi 126 càng sớm càng tốt, bởi theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phải tạm nộp 75% thuế thu nhập doanh nghiệp của 3 quý trước ngày 30/10 hàng năm. Thế nhưng thời điểm này đang đến gần nhưng nghị định sửa đổi vẫn chưa được ban hành, sẽ tiếp tục gây khó cho doanh nghiệp.
Quy định này trước đây vấp phải sự phản đối của doanh nghiệp do quy định này gây khó khăn cho dòng tiền của doanh nghiệp, bởi một số ngành như bất động sản, thương mại, đầu tư... thường có doanh thu rơi vào cuối năm. Do không thể dự báo trước doanh thu, lợi nhuận quý 4 nên nếu nộp thuế trước thì thực sự khó khăn về dòng tiền của doanh nghiệp. Đồng thời, phạt tiền chậm nộp trên số ước tính là chưa hợp lý.
Thời gian vừa qua, Chính phủ thực thi nhiều chính sách ưu đãi về thuế và tài chính, trợ lực giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, tuy nhiên, dự kiến nhiều chính sách ưu đãi sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2022. Cùng với đó, chính sách thuế trong giai đoạn sẽ bị ảnh hưởng bởi áp lực đảm bảo nguồn thu ngân sách, bởi các nhà làm chính sách phải cân bằng đối bài toán - chính sách thuế góp phần thúc đẩy tăng trưởng và các chính sách, biện pháp thuế nhằm tăng thu ngân sách hiệu quả.
Bảo Thoa