Tập huấn chính sách thuế thu nhập cá nhân cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Bộ Tài chính đề nghị chưa điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng [Infographics] Những dấu hiệu doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn, hoàn thuế GTGT |
Chương trình tập huấn nhằm nâng cao kiến thức về thuế cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, được triển khai theo chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thành phố.
Tại hội nghị, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế đã trình bày những nội dung cơ bản về thuế thu nhập cá nhân và gia hạn thời hạn nộp thuế, cũng như giải đáp các vướng mắc cho doanh nghiệp.
Bà Tạ Thị Phương Lan đã giới thiệu hệ thống văn bản pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, chính sách thuế thu nhập cá nhân, các nội dung về gia hạn thời hạn nộp thuế; lưu ý khi quyết toán thuế...
Theo đó, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm: Thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công, đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, trúng thưởng, bản quyền, nhượng quyền thương mại, thừa kế, quà tặng.
Tập huấn các nội dung cơ bản của Luật Thuế thu nhập cá nhân, gia hạn thời hạn nộp thuế cho gần 200 doanh nghiệp. |
Luật Thuế Thu nhập cá nhân cũng quy định 16 khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân, bao gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị em ruột với nhau);
Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam; Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất không phải trả tiền hoặc được giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản;
Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường; Thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao để sản xuất; Phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật; Tiền lương hưu do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, tiền lương hưu nhận được hàng tháng từ Quỹ hưu trí tự nguyện...
Cùng với giới thiệu căn cứ tính thuế với từng loại thu nhập, bà Lan cũng giới thiệu với các doanh nghiệp các khoản thu nhập được giảm trừ gia cảnh, bao gồm: giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc; giảm trừ các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo thực tế phát sinh có chứng từ hợp lệ; giảm trừ các khoản đóng góp vào quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo thực tế phát sinh nhưng không quá 1 triệu đồng/tháng. Việc tính giảm trừ cho người phụ thuộc được tính kể từ khi người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh.
Cũng tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Tạ Thị Phương Lan đã trao đổi, giải đáp nhiều thắc mắc thực tế gặp phải khi thực hiện đăng ký, kê khai nộp thuế và miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh.