Cần công chứng để đảm bảo quyền lợi của các bên mua bán bất động sản
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) cho biết, trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng có nêu "chưa có quy định kiểm soát nội dung mẫu hợp đồng kinh doanh bất động sản; quy định về hợp đồng kinh doanh bất động sản chưa chặt chẽ, đảm bảo sự minh bạch về giá bất động sản và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế đối với nhà nước của các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản".
Từ đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể, dễ hiểu, minh bạch, đảm bảo đầy đủ tính pháp lý về hợp đồng kinh doanh bất động sản để người dân, doanh nghiệp có căn cứ thực hiện.
Bên cạnh đó, theo đại biểu đoàn Hòa Bình, Dự thảo Luật quy định hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên. Như vậy, sẽ dẫn đến một số trường hợp đồng không cần thực hiện công chứng.
“Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định chặt chẽ nội dung trên để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên liên quan, đồng thời thống nhất trong cách hiểu và thuận lợi trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện”, đại biểu nói.
Các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội |
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hoá) phân tích, quá trình chuyển quyền sở hữu bất động sản là một quá trình cần phải được quản lý chặt chẽ. Bởi lẽ, quy định này rất cần thiết cho lợi ích công cộng, ổn định xã hội cũng như quyền lợi của người dân.
Với yêu cầu đảm bảo quyền sở hữu được xác định rõ ràng và được thực thi với chi phí thấp, khi niềm tin vào quyền sở hữu được đảm bảo sẽ thúc đẩy việc mua bán và đầu tư vào tài sản cũng như sự phát triển minh bạch của thị trường bất động sản. Việc ký hợp đồng mua bán bất động sản, cụ thể là giữa một bên doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và một bên là người dân không yêu cầu công chứng là chưa thực sự hợp lý.
Đại biểu cho rằng, cơ chế mua bán hoàn toàn riêng tư mà không có một tổ chức trung gian kiểm soát như là một tổ chức công chứng đã cho thấy nhiều sự bất cập trong thời gian qua, hàng nghìn người dân đã bị một số doanh nghiệp lừa đảo với nhiều vụ tranh chấp đã xảy ra.
Tranh chấp về các giao dịch gian lận này thực sự tốn thời gian, tiền bạc, có thể dẫn đến việc người mua không được hoàn trả lại số tiền đã được thanh toán, làm nhiều người dân phải gánh một khoản nợ không nhỏ, dẫn đến sự suy sụp của nhiều gia đình.
“Không nên tiếp tục phó mặc người dân bước vào những giao dịch này với một hành trang duy nhất là lòng tin và sự tử tế của doanh nghiệp bất động sản. Một chuyên gia, công chứng viên sẽ là một bên thứ ba phù hợp để tham gia kiểm soát hợp đồng này trên cơ sở các điều kiện đúng và đầy đủ theo quy định pháp luật. Trên cơ sở đó, đề nghị chỉnh sửa khoản 1 Điều 16 các khoản 4 Điều 143 theo hướng hợp đồng kinh doanh bất động sản nếu có một bên là cá nhân phải được công chứng và chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng”, đại biểu Lê Thanh Hoàn đề xuất nói.
Cùng góp ý về nội dung này, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phân tích, vai trò của công chứng không chỉ là người chứng kiến giao dịch đó diễn ra mà ở đây thông qua vai trò của công chứng viên sẽ giúp cho các cá nhân đảm bảo quyền lợi của họ nhiều hơn.
Theo đại biểu, nhà ở hoặc bất động sản thì có giá trị rất lớn, có khi đó là tài sản của cả một đời lao động, chính vì thế các quy định ràng buộc trong các hợp đồng giao dịch đó cần phải có một bên am hiểu về các quy định pháp luật, để khi có tranh chấp xảy ra hoặc khi một bên không thực hiện hết quyền, nghĩa vụ của mình thì vấn đề đó được giải quyết tại Tòa án và đảm bảo quyền lợi cho các bên khi tham gia vào giao dịch này.
Đại biểu cho biết, khi làm việc với các chuyên gia và các tổ chức có liên quan, các hợp đồng nhà ở tại các dự án, các chủ đầu tư dự án bất động sản bán cho người mua đất các hồ sơ rất dày và rất phức tạp. Một người bình thường đọc vào khó mà hiểu được hết quyền lợi của mình được quy định như thế nào trong đó. Chính vì thế, cần có công chứng để rà soát và cảnh báo những nội dung nào người mua cần phải lưu ý và phải thương thảo.
“Bây giờ có hợp đồng mẫu mà các chủ đầu tư còn ép người mua, nếu như không có hợp đồng mẫu và không có công chứng hỗ trợ thì nhiều trường hợp người dân sẽ bị thiệt trong các giao dịch liên quan đến bất động sản. Tôi đề xuất nghiên cứu thêm vai trò của công chứng trong việc giao dịch hợp đồng có một bên là cá nhân”, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết nói.