Bộ Tài chính đề xuất bổ sung 5 mặt hàng do nhà nước định giá, bao gồm sách giáo khoa
Năm 2023, UBTVQH sẽ chất vấn về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông Rà soát chặt chẽ giá sách giáo khoa, đánh giá tác động việc tăng học phí |
Bộ Tài chính vừa chuyển hồ sơ dự án Luật Giá (sửa đổi) sang Bộ Tư pháp để thẩm định theo quy định.
Đáng quan tâm, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát, cập nhập Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá hiện đang được quy định tại Luật Giá và các luật chuyên ngành gồm 52 nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Qua rà soát, cơ quan soạn thảo đề xuất đưa ra khỏi Danh mục 15 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với 4 tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá như: Dịch vụ thuê mặt bằng cảng hàng không, sân bay; dịch vụ thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay; dịch vụ lai dắt thuộc khu vực cảng biển; dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh (BOT); dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán do các tổ chức cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán cung cấp (trừ dịch vụ do nhà nước cung cấp); thuốc lá điếu sản xuất trong nước; thù lao dịch vụ đấu giá; dịch vụ quy hoạch...
Tờ trình của Bộ Tài chính cho biết, ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương đến thời điểm này nhất trí với việc đưa ra khỏi danh mục 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ này và các hàng hóa, dịch vụ được đưa ra khỏi danh mục sẽ được thực hiện theo cơ chế thị trường.
Bộ Tài chính đề nghị bổ sung sách giáo khoa là mặt hàng do Nhà nước định giá. |
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo đề nghị bổ sung 5 mặt hàng vào Danh mục nhà nước định giá, gồm: Sách giáo khoa; Dịch vụ đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và giao cho đơn vị khai thác; Hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất; Dịch vụ vận chuyển phân phối khí thiên nhiên; Vật liệu nổ công nghiệp.
Về đề nghị bổ sung sách giáo khoa, Bộ Tài chính cho biết, đây là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mặt hàng này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá và tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thống nhất, yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá.
Về dịch vụ đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và giao cho đơn vị khai thác, Bộ Giao thông vận tải đề nghị bổ sung vào danh mục tại công văn số 1774/BGTVT-TC ngày 25/02/2022 về phương án thu hồi vốn nhà nước đầu tư trên các đoạn đường bộ sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, phía Đông.
Về hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất, Bộ Quốc phòng đề nghị bổ sung mặt hàng này vì thuộc trường hợp Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Nghị định 94/2017/NĐ-CP, phù hợp với các tiêu chí tại Luật. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng thì việc bổ sung là rất cần thiết để triển khai nhiệm vụ trong thực tiễn.
Vật liệu nổ công nghiệp là hàng hóa thuộc phạm vi Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Nghị định 94/2017/NĐ-CP, được quy định phải định giá theo quy định tại Luật Cạnh tranh. Còn dịch vụ vận chuyển phân phối khí thiên nhiên (phục vụ cho sản xuất điện) là dịch vụ có tính độc quyền tự nhiên, được Bộ Công Thương đề nghị bổ sung vào danh mục.
Về thẩm quyền và trách nhiệm định giá, dự thảo Luật đã bỏ cấp định giá là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ sẽ chỉ định hướng các mục tiêu quản lý, điều hành giá chung, ban hành hoặc chỉ đạo các Bộ ban hành các văn bản dưới Luật nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện.
Thẩm quyền, trách nhiệm định giá các hàng hóa, dịch vụ cụ thể sẽ cơ bản được giao cho cấp Bộ theo lĩnh vực quản lý hàng hóa, dịch vụ và cấp Ủy ban nhân dân tỉnh theo phạm vi địa bàn quản lý.
“Việc phân chia như trên là phù hợp với công tác tổ chức thực hiện trong thực tiễn, phân định rõ ràng giữa nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương để thuận lợi triển khai, tránh sự đùn đẩy trách nhiệm”, Tờ trình nêu rõ.
Theo dự thảo Luật, Bộ Tài chính ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; trường hợp hàng hóa, dịch vụ có yếu tố hình thành giá cần hướng dẫn chi tiết, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành văn bản hướng dẫn.
Về bình ổn giá, Bộ Tài chính đã rà soát và dự thảo 7 hàng hóa, dịch vụ sẽ thực hiện bình ổn giá gồm: Xăng, dầu thành phẩm; Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; Thóc, gạo tẻ thường; Phân urê; phân NPK; Thức ăn chăn nuôi; Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm cả kit xét nghiệm Covid 19).
Chiều 16/8, Bộ Tư pháp đã tiến hành cuộc họp thẩm định dự thảo Luật này. Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn mục đích, yêu cầu, quan điểm của dự án Luật; rà soát kỹ và chỉnh lý phù hợp phạm vi điều chỉnh, đảm bảo không trùng lắp với phạm vi điều chỉnh của các luật có liên quan trực tiếp. Các nội dung mới cần đánh giá tác động chính sách bổ sung.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các nghị định quy định chức năng, quyền hạn của các Bộ để đảm bảo phân cấp, phân quyền hợp lý.