Xuất hiện những ca tử vong vì đậu mùa khỉ đầu tiên ngoài châu Phi
Bộ Y tế quy định bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ cách ly tối thiểu 14 ngày Tăng cường hệ thống giám sát, năng lực chẩn đoán, sẵn sàng ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ |
Điều này cho thấy, không một khu vực nào có thể an toàn trước dịch bệnh, đòi hỏi cả thế giới phải chung tay kiểm soát dịch bệnh.
Trong thông báo, Bộ Y tế Tây Ban Nha không thông tin chi tiết về ca tử vong đầu tiên này mà chỉ cho biết, cho đến nay có gần 4.300 trường hợp mắc đậu mùa khỉ tại nước này.
Ảnh minh họa: Reuters |
Về trường hợp tử vong ở Brazil, bệnh nhân có vấn đề nghiêm trọng về hệ miễn dịch, đã qua đời ở Belo Horizonte, bang Minas Gerais, miền Đông Nam Brazil.
Như vậy, theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 29/7, có tổng cộng hơn 21.000 ca mắc đậu mùa khỉ tại 78 quốc gia kể từ khi đợt dịch bùng phát bên ngoài khu vực châu Phi vào hồi tháng 5. Trước đó ngày 22/7, con số này mới chỉ 16.000 ca trên toàn thế giới. Như vậy, chỉ trong vòng một tuần, đã có thêm khoảng 5.000 người bị lây nhiễm đậu mùa khỉ. Điều này khiến nhiều người lo ngại đậu mùa khỉ như đại dịch COVID-19 thứ hai.
Trước tốc độ lây lan nhanh chóng của đậu mùa khỉ trên phạm vi toàn cầu, bà Rosamund Lewis, Trưởng nhóm Kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi:
“Như bạn đã biết, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Chúng tôi hy vọng sẽ tăng cường sự phối hợp và hợp tác của các quốc gia và tất cả các bên liên quan, cũng như sự đoàn kết toàn cầu. Hiện tại, chúng tôi vẫn tin rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ này có thể được ngăn chặn bằng các chiến lược phù hợp đối với từng nhóm đối tượng. Tuy nhiên, để đạt được điều đó thì chúng ta phải cùng nhau thực hiện những biện pháp trên”.
Tổ chức y tế thế giới cũng kêu gọi sự công bằng trong việc phân phối vaccine khi cho đến nay, Châu Phi với 1,3 tỷ dân vẫn chưa có một liều vaccine đậu mùa khỉ mặc dù phần lớn các ca tử vong xảy ra tại châu lục này. Điều này khiến châu Phi một lần nữa bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận vaccine kể từ sau đại dịch COVID-19.
Trước vấn đề này, trong cuộc họp báo mới nhất vào hôm qua, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi:
“Tổ chức Y tế thế giới đang liên hệ với các quốc gia khác để hiểu nhu cầu vaccine. WHO kêu gọi các quốc gia có để chia sẻ vaccine đậu mùa khỉ với các quốc gia không có. Chúng tôi phải đảm bảo tiếp cận công bằng vaccine cho tất cả các cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi bệnh đậu mùa ở khỉ, ở tất cả các quốc gia, ở tất cả các khu vực”.
Giới chuyên gia dịch tễ cũng cảnh báo, các nước không nên coi nhẹ bệnh đậu mùa khỉ và cần phải ngăn chặn căn bệnh này bùng phát quy mô lớn trên toàn cầu. Thế giới hiện đã ghi nhận hơn 50 đột biến của virus đậu mùa khỉ, trong đó có chủng siêu lây nhiễm tại châu Âu. Nếu không sớm dập được dịch bệnh truyền nhiễm này, virus sẽ tăng đột biến, tạo ra các biến thể mới nguy hiểm hơn, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy.
Ngoài ra, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng như nhiễm trùng thứ phát, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực. Thông thường, người bệnh sẽ tự khỏi sau vài tuần, song tỷ lệ tử vong của bệnh này vẫn ở mức 6 - 16%. Hiện số bệnh nhân phải nhập viện điều trị đậu mùa khỉ là 10%./.
Theo Vũ Anh Tuấn/vov.vn