Tự ý dùng thuốc điều trị cúm có thể dẫn đến bệnh tăng nặng
Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh không để thiếu thuốc điều trị cúm Tự ý dùng thuốc điều trị cúm Tamiflu làm tăng nguy cơ kháng thuốc |
- Phóng viên: Thưa bác sĩ, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội đang ghi nhận trường hợp đến khám, điều trị bệnh cúm gia tăng. Còn tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thì sao?
- Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Quốc Đạt: Hiện nay, Khoa Bệnh Nhiệt đới và can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng ghi nhận số ca mắc cúm gia tăng. Tình trạng này xuất hiện từ tháng trước, mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận khám, điều trị cho khoảng 30 - 50 người bị cúm mùa. Đa số bệnh nhân có biểu hiện rõ rệt như sốt, ho, mệt mỏi, kèm theo các triệu chứng hô hấp khác. So với cùng kỳ vài năm trước thì con số này tăng gấp 2 - 3 lần.
- Năm nay, dịch cúm có sự khác biệt so với mọi năm. Những năm trước, đỉnh dịch thường vào mùa Đông - Xuân thì năm nay ngay từ tháng 7 đã xuất hiện nhiều ca mắc cúm. Bác sĩ có thể lý giải vì sao lại có sự thay đổi này?
- Ở Việt Nam, cúm mùa là bệnh lưu hành quanh năm, đặc biệt là ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Chúng ta cũng ghi nhận ca bệnh vào tháng 7 - 8 và thường đỉnh dịch là vào khoảng tháng 9 - 10 hoặc từ tháng 1 - 3 hàng năm. Nhưng năm nay đúng là tháng 7 đã thấy dịch cúm bùng phát. Điều này cũng không quá khác lạ so với quy luật và chúng ta có thể giải thích ở rất nhiều khía cạnh.
Điều trị bệnh nhân cúm có dấu hiệu chuyển nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương |
Nguyên nhân đầu tiên có liên quan đến giai đoạn kéo dài công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Hơn 2 năm trước, ngành y tế và cả người dân đã triển khai hàng loạt các biện pháp nghiêm ngặt để phòng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Trong đó, thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) cũng có tác dụng quan trọng trong việc phòng Covid-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác. Đó là lý do 2 năm trước dịch cúm “lu mờ”, không xuất hiện. Nhưng năm nay, cuộc sống của chúng ta gần như trở lại bình thường khiến cúm bùng phát. Vì vậy, nếu so sánh với cùng kỳ 2 năm trước thì số ca mắc năm nay tăng rất mạnh. Ngoài ra, trong hơn 2 năm qua chúng ta tập chung phòng chống dịch Covid-19, công tác tiêm chủng cúm mùa bị ảnh hưởng nên miễn dịch đến nay đã hết hiệu lực.
Nguyên nhân thứ hai liên quan đến yếu tố thời tiết. Đúng là thời tiết hiện nay có nhiều sự thay đổi, mùa hè năm nay nắng mưa thất thường. Tại Hà Nội có những ngày mưa, nắng đan xen, chỗ mưa cách chỗ nắng có khi chỉ vài chục mét, hoặc nắng và mưa xuất hiện cùng lúc. Thời tiết đặc biệt như vậy nên cũng tạo điều kiện cho virus gây bệnh phát triển và khiến cơ thể chúng ta mệt mỏi, sức đề kháng yếu hơn.
- Ca bệnh tăng thì đương nhiên tỷ lệ người bệnh chuyển nặng cũng tăng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng virus cúm đã có sự tiến hóa khiến bệnh tình trở nặng hơn. Là chuyên gia điều trị bệnh truyền nhiễm, ông nghĩ sao về điều này?
- Thực tế, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận nhiều ca nặng. Thường người bệnh có biểu hiện khó chịu ban đầu như sốt, đau đầu, ho… Thế nhưng, nếu không được điều trị hiệu quả thì có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Trong đó, cúm có thể gây ra viêm cơ tim, viêm xoang, viêm não… Đây là những biến chứng nặng, đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Về nguyên nhân gia tăng những ca bệnh nặng thì đầu tiên phải kể đến sự gia tăng số ca mắc cúm.
Tất nhiên, khi có nhiều người mắc thì cũng sẽ có nhiều người bị nặng. Tôi nghĩ điều này là phù hợp với diễn tiến của dịch năm nay. Nếu như chúng ta không có những biện pháp dự phòng tốt thì số ca mắc sẽ tiếp tục tăng và tỷ lệ ca nặng cũng sẽ tăng theo. Nguyên nhân tiếp theo là việc điều trị cúm không kịp thời và không đúng cách. Thường chúng ta nghĩ cúm là bệnh thông thường, có nhiều loại thuốc điều trị và bản thân người bệnh có thể tự điều trị. Nhưng không phải vậy, bệnh nào cần được điều trị theo phác đồ phù hợp.
Thời gian gần đây, nhiều người cứ bị cúm là dùng thuốc Oseltamivir, Zanamivir hay Tamiflu. Đây đúng là những loại thuốc được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị cúm. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo chỉ nên sử dụng thuốc Oseltamivir hay Tamiflu cho một số nhóm bệnh nhân cúm có nguy cơ chuyển biến nặng. Đó là những người cần phải nhập viện điều trị, bị tổn thương phổi hoặc bệnh nhân có các bệnh lý nền.
Còn nếu sử dụng những loại thuốc này sẽ ảnh hưởng đến thị trường thuốc. Thực tế, gần đây, những loại thuốc đó rơi vào tình trạng khan hiếm, bị đẩy giá khiến những người thực sự cần không mua được. Điều này làm cho những người có nguy cơ chuyển nặng bị chuyển nặng. Còn những người không có nguy cơ chuyển nặng mà lạm dụng những thuốc đó cũng dẫn đến những tác dụng không mong muốn, thậm chí khiến bệnh cúm trở nên trầm trọng hơn. Chính vì vậy, tôi khuyến cáo người dân nên hỏi ý kiến bác sỹ về cách điều trị, không tự ý dùng thuốc.
- Chúng ta vẫn biết là “phòng bệnh hơn chữa bệnh” và thực tế khi trước dịch cúm diễn biến phức tạp thì người dân đã ồ ạt tiêm vaccine cúm. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tiêm chủng được coi là biện pháp hữu hiệu và an toàn nhất để phòng bệnh, phòng bệnh chuyển nặng và tử vong. Thời gian qua, dịch cúm lây lan, nhiều người lo lắng nên đi tiêm chủng. Điều này cũng cho thấy, người dân có ý thức phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Tuy nhiên, việc ồ ạt tiêm chủng như vậy sẽ có những tác động tiêu cực. Thứ nhất, khiến vaccine bị khan hiếm, cán cân cung - cầu vaccine bị lệch quá nhiều. Điều này gây ra khó khăn cho đơn vị tiêm chủng và ngành y tế. Thứ hai, ồ ạt tiêm chủng tạo nên môi trường lây lan cúm nhanh chóng. Tại những cơ sở tiêm chủng thường có không gian kín mà chúng ta lại tập trung quá nhiều thì việc lây cúm là khó tránh khỏi. Từ những nguy cơ đó, tôi nghĩ rằng bản thân mỗi người dân cần bình tĩnh trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Đặc biệt, nên tập trung tiêm phòng cho những người có nguy cơ cao chuyển nặng khi mắc cúm, đó là người già trên 65 tuổi, người có các bệnh lý nền như xơ gan, tiểu đường và các bệnh lý về phổi…
Chiến lược chung trong quản lý các bệnh truyền nhiễm là chúng ta phải xác định các đối tượng nguy cơ để dồn nguồn lực bảo vệ họ trước. Nói như vậy không có nghĩa là người bình thường lơ là tiêm vaccine phòng cúm. Chúng ta vẫn cần tiêm chủng đều đặn, nhưng thời điểm tiêm nên trước thời điểm bùng dịch vì vaccine cũng cần có thời gian tạo kháng thể.
- Theo bác sĩ, ngoài tiêm vaccine người dân cần thực hiện các biện pháp phòng cúm nào nữa?
- Việc phòng ngừa bệnh cúm nói riêng và các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp nói chung cũng khá là đơn giản. Đầu tiên, người bị bệnh phải được cách ly để tránh lây lan cho người khác. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng người mắc bệnh cố gắng đi làm, không thông tin cho những người xung quanh biết về tình trạng bệnh của mình. Ngoài ra, chúng ta thường đi thăm người bệnh. Ai đó bị bệnh thì bạn bè, người thân hay tụ tập lại để thăm nom. Điều đó vô tình làm tăng nguy cơ tiếp xúc của những người lành với người bệnh.
Chính vì vậy, phải thay đổi những việc làm đó để đảm bảo cách ly tốt, tránh nhiễm bệnh. Thứ hai, chúng ta nên thực hiện những biện pháp phòng dịch cơ bản, đặc biệt là trong thời điểm “nóng” như hiện nay, đó là đeo khẩu trang ở nơi tập trung đông người. Chúng ta nên vệ sinh tay và sát khuẩn thường xuyên để diệt virus cúm. Thứ ba, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, tạo không gian làm việc, nghỉ ngơi thoáng đãng, trong lành. Đó là những biện pháp rất đơn giản nhưng lại có tác dụng phòng bệnh cúm và các bệnh truyền nhiễm khác hiệu quả.
- Cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này!
Theo Dương Định/anninhthudo.vn