Quy định chặt chẽ, bảo vệ người tiêu dùng sử dụng mạng viễn thông
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%: Đâu là động lực cho những tháng cuối năm? Quốc hội thông qua Luật Phòng thủ dân sự Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 |
Cẩn trọng việc lộ, lọt thông tin cá nhân
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Đa số các đại biểu nhất trí với các nội dung đã được sửa đổi và chỉnh sửa trong Luật Viễn thông phiên bản mới cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) góp ý về vấn đề bảo đảm bí mật thông tin. Theo đại biểu, Luật hiện hành quy định người sử dụng dịch vụ viễn thông tiết lộ thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông đã thể hiện rõ việc thu thập thông tin phải được sự đồng ý của người sử dụng dịch vụ và việc đồng ý đó có thể được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau.
“Tuy nhiên, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) lần này lại quy định người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin thuê bao sau khi doanh nghiệp viễn thông đã thông báo rõ ràng, công khai bằng hình thức phù hợp với người sử dụng về mục đích phạm vi thu thập, sử dụng thông tin. Theo tôi là chưa phù hợp.
Đại biểu Dương Tấn Quân phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Quốc hội |
Vì thế nên cân nhắc theo hướng không quy định việc này cho doanh nghiệp viễn thông mà quy định trách nhiệm đó cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc chia sẻ, bảo mật thông tin với điều kiện đã được trang bị thiết bị kỹ thuật, công nghệ thông tin hiện đại, bảo đảm an ninh mạng, bảo mật thông tin”, đại biểu nói.
Điều đó có thể hạn chế việc doanh nghiệp viễn thông không quản lý, kiểm soát được tình trạng người sử dụng dịch vụ viễn thông bị khai thác thông tin cá nhân dẫn đến việc lộ, lọt thông tin cá nhân. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao rất tinh vi, có thể lợi dụng thông tin cá nhân để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như thời gian qua đã được phản ánh.
Cũng liên quan đến bảo đảm bí mật thông tin, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng Khoản 1, Điều 6 dự thảo Luật quy định “tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước” là chưa đảm bảo, bởi các thông tin bí mật nhà nước chỉ có chủ sở hữu thông tin mới là người có trách nhiệm bảo vệ. Do vậy, nên quy định trách nhiệm của chủ sở hữu thông tin về bảo vệ bí mật của Nhà nước.
Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng
Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận, để bảo vệ được quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông, dự thảo Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của đơn vị doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, của đại lý dịch vụ viễn thông và người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Đại biểu Trần Kim Yến đề nghị bảo vệ người tiêu dùng sử dụng mạng viễn thông. Ảnh: Quốc hội |
Các điều này cũng nêu khá đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của các bên cung cấp dịch vụ cũng như người sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, trên thực tế người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ thường bị thiệt thòi. Nhưng để bảo vệ cho quyền lợi của người tiêu dùng việc đề cập trong dự thảo Luật cũng chưa rõ.
“Cụ thể, tại khoản 2 Điều 15 quy định về việc thanh toán đầy đủ, đúng hạn giá cước dịch vụ viễn thông là một trong những nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Tuy nhiên, nếu thanh toán chậm sẽ bị cắt, còn thanh toán đầy đủ nhưng mạng chập chờn, không sử dụng được, thậm chí bị gián đoạn và thậm chí không sử dụng được thì cần phải có những điều khoản để đền bù hoặc như thế nào để có thể bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng”, đại biểu Trần Kim Yến nói.
Về quy định doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ cho người sử dụng dịch vụ viễn thông phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, đại biểu cho rằng, hợp đồng theo mẫu cũng chỉ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông mà không có các khoản để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khi có sự cố do đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông gây ra.
Cho biết trên thực tế việc khiếu nại cũng như được đền bù hầu như không có, đại biểu đề nghị bổ sung quy định phải phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với các vi phạm trong lĩnh vực viễn thông để bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng và tạo được sự yên tâm.
Ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn
Theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng), chuyển mạng giữ số là dịch vụ viễn thông cơ bản. Ở nhiều nước, dịch vụ chuyển mạng giữ số được thực hiện online với thời gian khoảng 1 đến 2 giờ. Khoản 4 Điều 13.5 Hiệp định CPTPP quy định mỗi bên đảm bảo rằng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng trong lãnh thổ của mình cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số mà không làm suy giảm chất lượng và độ tin cậy một cách kịp thời theo các điều khoản, điều kiện hợp lý và không phân biệt đối xử.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh góp ý quy định về chuyển mạng giữ số. Ảnh: Quốc hội |
Tại Việt Nam, đại biểu cho biết, việc chuyển mạng giữ số được quy định tại Thông tư số 35/2017/TT-BTTTT. Tuy nhiên, các quy định tại 35/2017/TT-BTTTT còn chung chung, chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các nhà mạng, khiến các nhà mạng thực hiện không theo tiêu chuẩn. Đồng thời, các nhà mạng đưa ra các dạng rào cản về gói cam kết làm cản trở người dân thực hiện quyền chuyển mạng, giữ số.
Bên cạnh đó, các hệ thống kỹ thuật của các nhà mạng chưa đáp ứng việc truy xuất thực hiện chuyển mạng giữ số online dẫn đến thủ tục vừa chậm, vừa mất công và không chính xác, thiếu minh bạch.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đánh giá cao dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) lần này đã bổ sung quy định đảm bảo cung cấp cho thuê bao khả năng chuyển mạng giữ số. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần có quy định cụ thể và đầy đủ hơn, đặc biệt là phần chế tài nhằm đảm bảo tính khả thi và tương thích các quy định tại khoản 4 Điều 13.5 Hiệp định CPTPP.
Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, người sử dụng dịch vụ viễn thông trong việc quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn, xử lý SIM không đúng thông tin thuê bao, cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo.
Đồng thời, để tăng cường các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cấm sử dụng thiết bị, phần mềm xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông công cộng.