Quận Hai Bà Trưng: Nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm lên tới hàng tỷ đồng
Không để cho người lao động phải tự mình đi đòi nợ bảo hiểm xã hội Xử lý đối với doanh nghiệp chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội |
Việc một số doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người lao động. (Ảnh minh hoạ) |
Theo tìm hiểu, qua công tác thanh tra chuyên ngành, phối hợp kiểm tra liên ngành, quận Hai Bà Trưng đã phát hiện, xử phạt và kiến nghị UBND Thành phố, BHXH Thành phố xử phạt hành chính hành vi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN theo thẩm quyền đối với 6 đơn vị đóng trên địa bàn, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) là 320.936.168 đồng.
Trong đó, phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính (BBVPHC) và kiến nghị UBND Thành phố XPVPHC lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN đối với 3 đơn vị, tổng số tiền phạt là 271.807.085 đồng; Phát hiện, lập BBVPHC và kiến nghị BHXH Thành phố XPVPHC lĩnh vực BHXH, BHTN đối với 3 đơn vi, tổng số tiền XPVPHC là 49.129.083 đồng.
Ngày 25/7/2023, UBND quận đã ban hành Công văn số 1211/CV-UBND về việc đôn đốc chấp hành nghĩa vụ đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN gửi đến 1.565 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền nợ 98,1 tỷ. Kết quả có 766 đơn vị đã chấp hành nộp tiền với số tiền là 67.2 tỷ đồng trong đó 760 đơn vị nộp hết số nợ theo thông báo, 192 đơn vị khắc phục 1 phần số nợ BHXH, BHYT, BHTN. Còn 613 đơn vị chưa có động thái khắc phục nợ phải tiếp tục đôn đốc, tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Đại diện Tổ liên ngành thu nợ BHXH, BHYT, BHTN quận Hai Bà Trung cho biết, qua công tác thanh tra, kiểm tra, Tổ liên ngành nhận thấy: Một số doanh nghiệp sau thời gian cổ phần hóa có thay đổi cơ cấu tổ chức, Hội đồng quản trị mới thiếu sự quan tâm và chậm chễ trong việc thanh toán các khoản nợ cũ. Một số doanh nghiệp có sự tranh chấp về quyền sở hữu Công ty dẫn đến có sự đùn đẩy trách nhiệm trong việc thanh toán các khoản nợ.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số đơn vị sử dụng lao động không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các qui định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH, BHYT, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động về quản lý, sử dụng lao động như không lập sổ quản lý lao động, không xây dựng thang lương, bảng lương; không báo cáo việc sử dụng lao động với cơ quan quản lý lao động địa phương; không ký hợp đồng với người lao động; không trích đóng hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Còn hiện tượng tại một số đơn vị chủ sử dụng lao động chây ì, cố tình chậm đóng dẫn đến nợ kéo dài, có biểu hiện trốn tránh, gây khó khăn, không hợp tác hoặc trì hoãn khi tổ liên ngành phối hợp làm việc.
Trên địa bàn quận tập trung khoảng 70% là đơn vị có số lao động nhỏ và vừa, địa điểm hoạt động sản xuất kinh doanh không cố định, thường xuyên có sự thay đổi địa chỉ và người làm công tác BHXH nên đoàn thanh tra, kiểm tra gặp nhiều khó khăn.