Những chiêu trò mới của tội phạm lừa đảo
Cảnh giác "ma trận" giảm giá cuối năm Xét xử đối tượng lừa chạy chức, chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo vay tiền trực tuyến |
Theo Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), các đối tượng tội phạm không dùng cách thức chiếm đoạt tài khoản Facebook theo kiểu cũ, mà tạo dựng lên kịch bản chi tiết, theo dõi, thu thập đầy đủ thông tin của nạn nhân.
Ảnh minh họa (Nguồn: Cục An toàn Thông tin) |
Một nạn nhân của chiêu trò lừa đảo, bà Trần Thị H. (sinh năm 1965, trú thành phố Hồ Chí Minh) kể lại, vào cuối tháng 11/2023, đối tượng mạo danh tài khoản Facebook của con gái bà H (hiện đang sinh sống ở nước ngoài) bằng cách sử dụng hình ảnh đại diện, ảnh bìa và các thông tin giống hệt với tài khoản của con gái bà H để giả mạo nhắn tin cho mẹ nạn nhân chuyển tiền để giúp đỡ đồng hương.
Các đối tượng còn thu thập hình ảnh, video khuôn mặt của con gái bà H và sử dụng công nghệ AI Deepfake gọi video với bà H nhằm lấy lòng tin. Khi bà H thắc mắc về số tài khoản lạ thì đối tượng lấy lý do là chuyển tiền ra nước ngoài phải mất phí nên chuyển tiền qua số tài khoản trung gian nhằm tránh phí. Tin tưởng đây là con gái, bà H đã chuyển cho đối tượng 70 triệu đồng và bị chiếm đoạt.
Trước thực trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội ngày càng diễn biến phức tạp, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết điều quan trọng nhất là người dân cần hết sức cảnh giác; khi có hoạt động vay mượn, chuyển khoản cho người thân, nhất là ở nước ngoài, người dân cần phải gọi điện thoại xác thực để tránh mất tiền oan.
Song song với đó, tình trạng giả mạo Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tuyển thí sinh cuộc thi “Lễ hội áo dài Xuân Giáp Thìn 2024” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng đang diễn ra.
Ảnh minh họa (Nguồn: Cục An toàn Thông tin) |
Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) - Công an thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận phản ánh của người dân về thủ đoạn lừa đảo giả mạo tuyển thí sinh dự thi áo dài nhằm chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên, đơn vị cũng đã kịp thời ngăn chặn nạn nhân chuyển tiền cho đối tượng.
Với thủ đoạn tạo lập các trang mạng xã hội “Quảng bá về lễ hội áo dài xuân Giáp Thìn 2024”, các đối tượng đăng tải thông tin tuyển thí sinh dự thi áo dài với giải thưởng hấp dẫn và nhiều quyền lợi đi kèm. Khi nạn nhân tin tưởng sẽ bị dẫn dụ truy cập đến website giả mạo Đài Truyền hình Việt Nam, tại đây, đối tượng lừa đảo lợi dụng danh nghĩa quy định và thể lệ chương trình, tiến hành tiếp cận, thu thập thông tin cá nhân, đồng thời yêu cầu nạn nhân chuyển tiền theo tài khoản ngân hàng chỉ định nhằm thực hiện các thử thách trực tuyến hay nhiều lý do khác.
Trước thủ đoạn này, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác và tuyệt đối không tham gia các hội thi, lễ hội quảng bá trên mạng khi chưa trực tiếp xác minh, kiểm tra thông tin ngoài đời thực. Không chuyển tiền theo yêu cầu lừa đảo. Về cơ bản thủ đoạn trên không còn quá xa lạ, các đối tượng chỉ thay đổi thông tin, lợi dụng dịp Tết, Xuân Giáp Thìn 2024 để dẫn dụ nạn nhân, nhất là các chị em phụ nữ nên cần hết sức lưu ý.