Không tổ chức lớp không chuyên trong trường trung học phổ thông chuyên
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT vừa được Bộ GD&ĐT ban hành về quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2023.
Không tổ chức lớp không chuyên trong trường trung học phổ thông chuyên. (Ảnh minh họa) |
Theo Thông tư, mục tiêu của trường chuyên là dành cho học sinh đạt kết quả tốt trong rèn luyện và học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Hệ thống trường chuyên bao gồm trường chuyên thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một trường chuyên.
Lớp học trong trường chuyên được tổ chức theo môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành, bao gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Toán, Tin học, Vật lí, Hóa học, Sinh học. Không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên. Mỗi lớp chuyên có không quá 35 học sinh.
Trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đề nghị của hiệu trưởng trường chuyên, cơ quan quản lý trường chuyên quyết định số môn học được tổ chức lớp chuyên và số lớp chuyên đối với từng môn chuyên.
Về công tác tuyển sinh, Thông tư nêu rõ, chậm nhất 60 ngày trước ngày tổ chức thi tuyển, trường chuyên thông báo công khai kế hoạch tuyển sinh trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý trường chuyên và của trường chuyên. Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường chuyên quy định việc đăng ký dự tuyển, hồ sơ dự tuyển và điều kiện dự tuyển.
Sở GD&ĐT (đối với trường chuyên thuộc tỉnh), cơ sở giáo dục đại học (đối với trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học) quy định môn thi, hình thức thi và thời gian làm bài của mỗi môn thi theo từng môn chuyên; hệ số điểm bài thi (nếu có), điểm xét tuyển; ban hành quyết định thành lập các hội đồng ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo; phê duyệt danh sách học sinh trúng tuyển.
Việc tổ chức ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo được vận dụng theo quy định tại quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành.