Chủ động phòng ngừa “tín dụng đen” tiếp cận người lao động
Không để "tín dụng đen" tiếp cận công nhân, người lao động Cảnh báo về hình thức "tín dụng đen" cho vay qua ứng dụng trên điện thoại di động |
Gia tăng "tín dụng đen"
Theo cơ quan chức năng, thời gian qua, do tác động của dịch Covid-19, thu nhập bình quân của người lao động giảm sút. Đặc biệt là những người lao động phổ thông, người lao động có thu nhập thấp, thậm chí có những người mất hoàn toàn thu nhập.
Để có chi phí trang trải cho những nhu cầu thường nhật của cuộc sống hoặc giải quyết những tình huống cấp bách, không ít người lao động buộc phải tìm đến các tổ chức tín dụng đen bởi không có đủ điều kiện để có thể vay vốn ngân hàng. Điều này khiến vấn nạn “tín dụng đen” gia tăng .
Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp vay tiền mà các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Nếu lãi suất cho vay vượt quá 20% được coi là cho vay nặng lãi, vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, từ góc độ pháp lý, luật sư Phạm Hải Long cho rằng, thực tế, các đối tượng cho vay không ghi chỉ số lãi suất vào giấy tờ vay nợ mà chỉ thỏa thuận miệng với người vay. Những chủ nợ này cũng thường khấu trừ luôn tiền lãi vào số tiền gốc ngay khi giao tiền, nên người vay không bao giờ cầm đủ số tiền thực vay trong “hợp đồng”. Đó chính là nguyên nhân khiến cho những vụ cho vay với lãi suất “cắt cổ” chỉ bị phát giác khi cơ quan chức năng vào cuộc.
Chủ động phòng ngừa “tín dụng đen” tiếp cận người lao động |
Không những thực hiện hành vi cho vay với lãi suất cao bằng hình thức giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt, gần đây một số tổ chức “tín dụng đen” còn mở thêm các App (ứng dụng), đặc biệt các app không rõ nguồn gốc cho vay tiền trên điện thoại di động, cũng như trên các website nở rộ như “nấm mọc sau mưa”.
Những ứng dụng này đa phần đều được quảng cáo là lãi suất thấp, giải ngân nhanh, thậm chí có nơi còn cho vay ưu đãi 0%. Tuy nhiên, đó chỉ là những "cái bẫy", chiêu trò của các đối tượng lừa đảo đáng vào tâm lý cả tin của người vay...
Tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với công nhân cả nước (ngày 12/6), Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết, liên quan đến "tín dụng đen", qua đấu tranh cho thấy, các đối tượng rất tinh vi, lợi dụng và tạo vỏ bọc núp dưới các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính. Các đối tượng cho vay không cần thế chấp, dưới dạng huy động vốn, góp vốn, góp tài sản kinh doanh.
Về thủ đoạn, các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường xuyên dụ dỗ, lôi kéo công nhân vay tiền trực tiếp, qua App, qua mạng xã hội hoặc núp bóng doanh nghiệp với lãi suất cao bất thường. Qua công tác đấu tranh thời gian qua của Bộ Công an đã phát hiện có nơi lãi suất lên tới 90-100%/tháng, thậm chí lên tới 700-1.000%/tháng.
Sau đó, các đối tượng cho vay sử dụng nhiều thủ đoạn như đe dọa, khủng bố tinh thần, chiếm đoạt tài sản tiền lương trả qua ATM…
Trong 3 năm qua, Bộ Công an đã đấu tranh phát hiện xử lý 2.740 vụ việc với gần 5.000 đối tượng, đã khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4.000 bị can, trong đó có hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi với nhiều bị hại là công nhân lao động.
Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an, trao đổi về tội phạm "tín dụng đen". |
Đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm "tín dụng đen"
Tại Hà Nội, nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố, thời gian qua lực lượng Công an đã triệt phá nhiều ổ nhóm chuyên cho vay nặng lãi.
Điển hình như mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an và các Phòng nghiệp vụ của Công an Thành phố bóc gỡ một đường dây tổ chức cho vay lãi nặng qua các app “cashvn”, “vaynhanhpro” và “ovay” trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc.
Thủ đoạn của các đối tượng là chạy quảng cáo trên mạng xã hội, mời chào khách hàng có nhu cầu vay tiền qua các App trên, thế chấp bằng hình ảnh cá nhân kèm thông tin nhân thân lai lịch và danh bạ điện thoại.
Nếu khách hàng không có khả năng trả tiền, ngoài việc “khủng bố” tinh thần con nợ, chúng còn tấn công vào bạn bè, người thân của nạn nhân thông qua danh bạ điện thoại được khách hàng cung cấp trước đó. Thậm chí, nhiều người dù không liên quan nhưng cũng bị chúng “khủng bố” bằng cách cắt ghép ảnh “nóng” rồi tung lên mạng xã hội để bôi nhọ danh dự, gây áp lực đòi tiền.
Đã có gần 1 triệu tài khoản vay qua các app của đường dây này và số tiền chúng giải ngân cho vay khoảng gần 1.000 tỷ đồng, thu lợi nhuận bất chính khoảng gần 500 tỷ đồng...
Nhiều băng nhóm "tín dụng đen" bị cơ quan Công an triệt xóa |
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Công an, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều nội dung liên quan tới “tín dụng đen” và đề nghị Bộ Công an rà soát, xử lý vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, sắp tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục duy trì thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ, tổ chức tốt công tác nắm tình hình, triển khai chuyên đề phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Lực lượng chức năng kịp thời phát hiện những địa bàn phức tạp, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân, đối tượng, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa và đấu tranh ngay từ khi mới manh nha hoạt động, không để các đối tượng mở rộng phạm vi hoạt động...
Tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Theo Khoản 2 Điều 201, nếu phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tại Khoản 3, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Đối với hành vi gọi điện đe dọa, tung tin sai, bôi nhọ người vay chưa trả đúng hạn lên mạng xã hội… có thể bị truy tố theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm nhục người khác. Nếu hành vi đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự cá nhân thì có thể làm đơn tố cáo gửi lên cơ quan Công an kèm theo các tài liệu chứng minh để cơ quan Công an xác minh, điều tra, xử lý. |