Hà Nội quyết tâm thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10
Không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới Hỗ trợ phụ huynh, học sinh mua SGK qua đường dây nóng đến 15/9 Nơi chắp cánh ước mơ chinh phục khoa học kỹ thuật |
Theo lộ trình, năm học 2022-2023, Chương trình GDPT 2018 bắt đầu được triển khai với lớp 10 và được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu (năm học 2023-2024 sẽ triển khai ở lớp 11, năm học 2024-2025 tiếp tục triển khai ở lớp 12).
Cùng với cả nước, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã và đang khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và các điều kiện cần thiết, sẵn sàng triển khai chương trình mới với lớp 10, quyết tâm dạy học chất lượng ngay từ năm đầu tiên.
Học sinh Hà Nội sẵn sàng bước vào năm học mới. |
Tại Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa), để chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT 2018, nhà trường đã nâng cao nhận thức của giáo viên về chương trình mới về tính ưu việt của chương trình, tính tất yếu phải thực hiện chương trình mới. Các giáo viên đã tìm hiểu văn bản, nghiên cứu thảo luận và tìm hiểu bỏ phiếu lựa chọn các bộ sách giáo khoa. Cùng đó, nhà trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, xây dựng cấu trúc chương trình nội dung giáo dục theo các tổ hợp…
Hay như tại Trường THPT Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình), tất cả giáo viên trong trường đã được tham gia các lớp tập huấn về sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, cách tiếp cận chương trình mới theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực của học sinh. Ở từng bộ môn, Tổ chuyên môn đã có định hướng tập trung bàn bạc về những định hướng mới nhất cho chương trình mới.
Căn cứ vào nhu cầu nguyện vọng học theo các ban của học sinh, nhà trường đã hoàn thành chia các khối lớp, phân chia đội ngũ giáo viên dạy theo đúng ban đã được hình thành. Nhà trường cũng đã rà soát toàn bộ cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu dạy học trong năm học mới, đặc biệt quan tâm đối với học sinh khối 10.
Em Phạm Bá Quang (học sinh lớp 10, Trường THPT Phạm Hồng Thái) chia sẻ: “So với các anh, chị khóa trước, chúng em có nhiều thuận lợi hơn. Em khá hào hứng là trong chương trình có các môn học, chuyên đề nâng cao để em lựa chọn. Việc này giúp chúng em có thêm kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về các môn học mà mình yêu thích...”.
So với chương trình hiện hành, điểm mới đáng chú ý của Chương trình GDPT 2018 là mỗi học sinh đều phải học một số môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục Quốc phòng và An ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Bên cạnh đó, học sinh chọn 4 môn học trong các môn lựa chọn, gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật.
Để thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10 và chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai đối với các khối lớp còn lại vào các năm học tiếp theo, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường học trên địa bàn Thành phố tập trung thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Bảo đảm an toàn trường học, hoàn thành chương trình năm học chất lượng; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng; đổi mới công tác quản lý giáo dục.
Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, các nhà trường tiếp tục rà soát, đầu tư hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; rà soát cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học, hoạt động giáo dục; xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu.
Bên cạnh đó, các nhà trường cần tập trung tổ chức tốt việc bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo kế hoạch năm học 2022-2023; gắn nội dung bồi dưỡng thường xuyên với nội dung sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn trong trường và trong cụm trường; tiếp tục quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức dạy học trực tuyến cho giáo viên…
Toàn Thành phố hiện có 236 trường THPT, trong đó có 118 trường công lập, 14 trường công lập tự chủ và 104 trường tư thục. Tỷ lệ trường THPT công lập đạt chuẩn quốc gia đạt hơn 66%. Năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT Hà Nội đã chủ động ứng phó với dịch Covid-19, tổ chức dạy học linh hoạt, hoàn thành kế hoạch thời gian năm học đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99,27%. Điểm trung bình một số môn thi được cải thiện: Môn Lịch sử tăng 1,63 điểm; môn Hóa học tăng 0,026 điểm; môn Vật lý tăng 0,083 điểm… |