Hà Nội: Đẩy mạnh các biện pháp tăng quyền năng cho phụ nữ, trẻ em gái
Kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ chịu ít nhất một hình thức bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra. Có 70,8% trẻ em dưới 15 tuổi đã từng phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt bạo lực tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên gia đình.
Thời gian qua, một số vụ việc rất nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái. Bà Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội cho biết, theo số liệu của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội năm 2022, có 82 vụ/110 bị cáo về tội xâm hại tình dục trẻ em. 6 tháng đầu năm 2023, tòa án 2 cấp Thành phố thụ lý 81 vụ/ 81 bị cáo xâm hại tình dục trẻ em.
Với những con số trên cho thấy việc thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường quyền năng cho phụ nữ, trẻ em gái và xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường quyền năng cho phụ nữ, trẻ em gái và xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện là nhiệm vụ quan trọng. (Ảnh minh họa: TH) |
Là tổ chức chính trị - xã hội đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực triển khai các đề án, chương trình của Ủy ban nhân dân, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ triển khai các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ và nhân dân về phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Hội đã thành lập mới, nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình liên ngành tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, các mô hình tại cộng đồng về xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng cộng đồng dân cư an toàn thân thiện với phụ nữ và trẻ em, trong đó vận động thu hút cộng đồng, gia đình và nam giới tham gia; ký kết các chương trình phối hợp với các cơ quan tố tụng, các sở, ban, ngành hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, phòng ngừa bạo lực, xâm hại và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, trẻ em.
Bà Lê Kim Anh cũng đề nghị các cấp hội phụ nữ trên toàn thành phố triển khai nhiều nội dung trọng tâm, nhằm tuyên truyền về bình đẳng giới, chăm lo bảo vệ phụ nữ, trẻ em, phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới để phụ nữ, trẻ em được sống trong môi trường an toàn, đầy tình yêu thương.
Việt Nam là một trong những quốc gia được quốc tế đánh giá cao trong việc đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua và là quốc gia sớm tham gia các điều ước quốc tế liên quan quyền con người, phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và thứ 2 trên thế giới ký kết Công ước về quyền trẻ em; là một trong những nước đầu tiên trên thế giới ký Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. |
Trong đó, các cấp hội tiếp tục tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm trao đổi, diễn đàn về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, gắn với Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, mô hình 5 có 3 sạch, trong đó chú trọng tiêu chí gia đình không có bạo lực, có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững.
Chủ động tham mưu tổ chức gặp gỡ, đối thoại về bình đẳng giới, an sinh xã hội; bàn giao mái ấm tình thương, tặng quà phụ nữ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tham gia giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, quyền trẻ em. Kịp thời phát hiện, lên tiếng, đề xuất chính quyền, các ngành chức năng xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, hỗ trợ nạn nhân tiếp cận các dịch vụ trợ giúp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em.
Quán triệt triển khai Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 10/5/2018 về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ của thành phố Hà Nội trong tình hình mới, Uỷ ban nhân dân Thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 và nhiều chương trình kế hoạch, đề án triển khai: Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030;
Đề án phòng ngừa ứng phó với bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em; Đề án Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp; Kế hoạch Tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn Thành phố; Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2019 - 2025”; Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030”…
Bảo Thoa