Nâng cao vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
LĐLĐ quận Tây Hồ đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền về công tác nữ công Quận Cầu Giấy truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh Thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm |
Nỗ lực thực hiện bình đẳng giới
Hà Nội là địa phương đông dân thứ hai của cả nước và cũng có mật độ dân số cao thứ hai trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với mật độ dân số là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước, toàn Thành phố đã đạt mức sinh thay thế; tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên tuy có giảm so mỗi năm nhưng chưa bền vững; tỉ lệ tăng dân số hàng năm ở mức cao tạo ra áp lực lớn cho kinh tế - xã hội Thủ đô.
Ảnh minh họa (Ảnh: N.Hoa) |
Hiện nay, chất lượng dân số đã từng bước được nâng cao, Thành phố phê duyệt và triển khai thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình, kế hoạch, hoạt động mô hình về nâng cao chất lượng dân số ở 30/30 quận, huyện, thị xã; 579/579 xã, phường, thị trấn.
Ông Tạ Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chuyển hướng sang Dân số và phát triển. Mặc dù tỉ số giới tính khi sinh của toàn Thành phố đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động.
Công tác dân số ở Thủ đô vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Do cơ cấu dân số trẻ nên hàng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao, góp phần làm tăng số sinh của Thành phố; tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm ở mức cao, góp phần làm tăng quy mô dân số.
Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời như hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị; dẫn đến hiện tượng thiếu nữ, thừa nam trong độ tuổi kết hôn và dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai.
Khắc phục tư tưởng “trọng nam khinh nữ”
Thực tế cho thấy, mặc dù người phụ nữ có những đóng góp to lớn trong chính trị, kinh tế, xã hội, gia đình và cộng đồng nhưng nhận thức về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới hiện vẫn còn hạn chế.
Tại một số địa phương, tình trạng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn nặng nề, để hướng tới một xã hội bình đẳng, nơi phụ nữ và trẻ em gái được đối xử công bằng và được trao quyền, cơ hội phát triển như nam giới, các chuyên gia cho rằng cần nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới; chú trọng đẩy mạnh giáo dục khoa học giới trong hệ thống nhà trường để giúp cho thanh, thiếu niên nhận thức được những vần đề giới và bình đẳng giới một cách cơ bản, có hệ thống giúp các em ý thức được trách nhiệm trong xây dựng gia đình sau này.
Tiết mục sân khấu hóa thay đổi nhận thức tư tưởng "trọng nam khinh nữ" của Ban Chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện Thanh Oai (Ảnh: N.Hoa) |
Bên cạnh đó, cần tăng cường các chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao địa vị phụ nữ trong xã hội, từng bước khắc phục tư tưởng “trọng nam khinh nữ”; xây dựng và ban hành các hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi kinh tế có sự ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em gái.
Nhằm nâng cao vị thế của trẻ em gái, ngày 11/10 hàng năm được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lựa chọn là Ngày Quốc tế trẻ em gái. Năm 2023, Ngày Quốc tế trẻ em gái với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em gái. Đồng thời kêu gọi sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, các ngành trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, từ đó từng bước góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Tại Hà Nội, phụ nữ và trẻ em gái luôn được quan tâm đặc biệt. Hàng năm, các quận, huyện, thị xã tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; tuyên truyền, tư vấn, vận động chị em phụ nữ thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe; duy trì và phát triển mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên… Các quận, huyện duy trì các hoạt động truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sócsức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, các biện pháp tránh thai… cho phụ nữ thông qua các kênh truyền thông: phát thanh, truyền hình, truyền thông nhóm nhỏ, cung cấp dịch vụ theo đúng quy trình khám, chữa bệnh của Bộ Y tế, đảm bảo phòng chống dịch bệnh cho phụ nữ.
Ngoài ra, nhiều mô hình chăm sóc sức khỏe tiếp tục được duy trì và nhân rộng tại các địa bàn trên toàn thành phố như mô hình can thiệp truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tới vùng dân cư đặc thù; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân…
Hàng năm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố thường xuyên phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức các buổi truyền thông kiến thức sức khỏe sinh sản cho các đối tượng là phụ nữ, nam giới, vị thành niên, thanh niên; tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái.