Hà Nội dẫn đầu cả nước về triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"
Nâng tầm cả chất và lượng
Ngày 16/6 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Công bố Quyết định và trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2022. Tại Hội nghị, 518 sản phẩm của 19 chủ thể được phân hạng và cấp giấy chứng nhận đạt từ 3 sao OCOP trở lên. Trong số này, có 1 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao là Đông trùng hạ thảo sấy đông khô của Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc tại xã Phú Nam An (huyện Chương Mỹ). Bên cạnh đó, có 271 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 246 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Các sản phẩm OCOP của Hà Nội ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng |
Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, có 2.167 sản phẩm OCOP của Thủ đô đã được công nhận, bằng khoảng 22% của cả nước. Trong đó, có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao.
Đặc biệt, tỷ lệ sản phẩm OCOP 4 sao của cả nước là 32%, Hà Nội gần gấp đôi với tỷ lệ 62%. Điều này cho thấy, thành phố Hà Nội phát triển chương trình OCOP cả về số lượng và chất lượng. Cùng với đó, không chỉ các huyện mà ở các quận, việc đánh giá, chấm điểm OCOP cũng được triển khai hiệu quả.
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, sau khi chứng nhận sản phẩm OCOP, thành phố Hà Nội luôn quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, qua đó sản phẩm OCOP đã được người tiêu dùng nhận diện và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, thành phố đã khai trương đi vào hoạt động được 85 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.
Đánh giá việc triển khai Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Minh Tiến cho biết, Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội đã được phát huy tốt, đảm bảo tính toàn diện, thể hiện qua việc số lượng, chất lượng sản phẩm đều được đảm bảo.
Cùng đó đó, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều sự kiện kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại; qua đó thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP.
Cần định hướng xuất khẩu cho các sản phẩm OCOP
Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố Hà Nội phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được công nhận. Theo đó, Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 có điểm mới là Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã tổ chức đánh giá một số tiêu chí, nội dung về: Nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương; sử dụng lao động địa phương; nguồn gốc ý tưởng sản phẩm; bản sắc/trí tuệ địa phương.
Đồng thời, theo Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, thì việc đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao do UBND cấp huyện thực hiện. Điều này sẽ làm tăng trách nhiệm của UBND cấp xã, cấp huyện trong đánh giá, phân hạng sản phẩm.
Hà Nội cần định hướng phát triển gian hàng OCOP đầu tiên tại thị trường quốc tế |
Để đạt mục tiêu đề ra, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, thời gian tới thành phố cần tiếp tục tăng cường tập trung công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về chương trình OCOP; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; ưu tiên và xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững;
Đồng thời, triển khai một số mô hình về bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; tập trung xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP, ưu tiên lựa chọn, sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường…
Ông Nguyễn Văn Chí cũng đề nghị các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Trong thời gian tới, OCOP Hà Nội định hướng phát triển gian hàng đầu tiên tại thị trường quốc tế, cụ thể là châu Âu. Công tác gắn liền phát triển các sản phẩm OCOP với việc phát triển du lịch các làng nghề cũng cần được Hà Nội đẩy mạnh và phát huy.
Từ đó, giới thiệu với bạn bè quốc tế, không chỉ những sản phẩm đặc trưng của các địa phương mà còn có thể đem đến cho họ cái nhìn sâu hơn về quy trình sản xuất cũng như bối cảnh làm nên thương hiệu đặc biệt của Thủ đô Hà Nội.
Để tiếp tục gìn giữ và tiếp tục phát triển Chương trình OCOP năm 2023, ông Nguyễn Minh Tiến đề xuất Hà Nội cần hỗ trợ các chủ thể khắc phục các vấn đề như bao bì, nguồn gốc sản phẩm và sở hữu trí tuệ.
Cùng với đó, thành phố Hà Nội cũng cần định hướng xuất khẩu các sản phẩm OCOP trên cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phấn đấu số sản phẩm OCOP đạt 5 sao chiếm 3 - 5%. Theo ông Tiến, sản phẩm OCOP cần được chuẩn hóa quy trình, đảm bảo tính ổn định; tránh tình trạng khi đem đi dự thi thì đạt chất lượng tốt mà để nhân rộng sản xuất thì chất lượng lại không được đảm bảo ổn định.
“Các ban ngành của thành phố Hà Nội cần hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã. Đặc biệt là vấn đề về mẫu mã, bao bì; dù đã được cải thiện nhưng nhìn chung chưa có sự đột phá và chưa có sự thiết kế chuyên biệt cho các phân loại sản phẩm OCOP”, ông Nguyễn Minh Tiến đề nghị.