Đề xuất duy trì cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19
Nghiên cứu chính sách hỗ trợ người chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 phù hợp thực tiễn Dịch COVID-19 khó lường, biến chủng mới xuất hiện, phải tăng cường vaccine |
Đây là nội dung được nêu trong báo cáo do Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký gửi Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội về chính sách phòng, chống dịch Covid-19.
Việc duy trì các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 thời gian qua nhằm bảo đảm ứng phó kịp thời khi dịch bùng phát. |
Tiếp tục thanh toán chi phí điều trị cho bệnh nhân Covid-19
Theo Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, dịch bệnh Covid-19 sẽ còn tiếp tục là mối đe dọa về y tế công cộng trong thời gian tới và cảnh báo những biến thể mới có thể làm dịch trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. WHO cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng, chống đại dịch sang quản lý bền vững.
Chính vì vậy, tại báo cáo này, Bộ Y tế cũng đưa ra nhiệm vụ trong thời gian tới. Cụ thể là rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách phòng, chống dịch Covid-19, các luật liên quan đến phòng, chống dịch. Đồng thời, ban hành và triển khai hiệu quả các chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực tại y tế cơ sở; điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở, y tế dự phòng; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực; có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, hy sinh; tạo cơ chế, chính sách thông thoáng, bình đẳng cho y tế tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19… Đặc biệt, tiếp tục đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin Covid-19, thực hiện tiêm mũi tăng cường và tăng độ bao phủ vắc xin cho trẻ em an toàn, khoa học.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề xuất, cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 đang hoạt động được phép tiếp tục duy trì theo yêu cầu thực tiễn. Việc duy trì các cơ sở này nhằm bảo đảm năng lực ứng phó kịp thời khi dịch bệnh bùng phát. Thời gian qua, các cơ sở này đã góp phần quan trọng trong hoạt động điều trị Covid-19 và khẳng định đây là một mô hình phù hợp trong điều kiện chống dịch. Việc tiếp tục duy trì mô hình này không ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn công tác khám, chữa bệnh.
Bộ Y tế cũng đề xuất cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế. Chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh được tiếp tục áp dụng để bảo đảm ổn định quyền lợi của người bệnh.
Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện thí điểm khám bệnh, chữa bệnh từ xa, bao gồm cả hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho đến khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực.
“Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về khám bệnh, chữa bệnh từ xa được thanh toán bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, đây là biện pháp nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế của người dân và đã được thực hiện hiệu quả trong thời gian chống dịch vừa qua. Do đó, việc triển khai khám bệnh, chữa bệnh từ xa cần tiếp tục thực hiện để có thêm thực tiễn trong việc hoàn thiện chính sách mới trong dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi)”, báo cáo của Bộ Y tế nêu rõ.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ. |
Đề xuất kéo dài thời gian gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc
Trong báo cáo này, Bộ Y tế cũng đề xuất cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc cho đến khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược năm 2016 có hiệu lực.
Lý do được Bộ Y tế đưa ra, đó là dịch bệnh diễn biến khó lường dẫn tới nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định hiện hành. Số lượng hồ sơ gia hạn cần giải quyết rất lớn (trên 14.000 hồ sơ) và tiếp tục tăng lên, nhân lực thẩm định hồ sơ thiếu trầm trọng.
“Việc gia hạn này không ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc do các thuốc này đã được đăng ký lưu hành nhiều năm tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Về lâu dài, cần có cơ chế gia hạn tự động đối với thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành. Chính phủ đã đề xuất cơ chế này trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới”, Bộ Y tế nêu rõ.
Cùng với đó, Bộ Y tế đề nghị có nghiên cứu, ban hành cơ chế riêng, quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với việc triển khai, thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch, mua sắm, đấu thầu, nghiên cứu sản xuất vắc xin, thuốc, trang thiết bị y tế, nhân lực... trong điều kiện cấp bách, khẩn cấp, chưa có tiền lệ, khó lường, khó dự báo. Đây là vấn đề nhằm đảm bảo triển khai hoạt động phù hợp với thực tiễn, đáp ứng tính nhanh, hiệu quả và có tính “miễn trừ trách nhiệm” để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, khả thi, góp phần phòng, chống dịch hiệu quả.
Theo Thu Trang/hanoimoi.com.vn