Để không trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người
Lĩnh án 12 năm tù vì mua bán nhân viên phục vụ cho quán karaoke Phụ nữ dễ trở thành nạn nhân buôn bán người vì thích sử dụng mạng xã hội Xét xử đối tượng mua bán thận để hưởng lợi |
Tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và nước ta nói riêng diễn biến khá phức tạp và có xu hướng gia tăng. Tội phạm mua bán người gây nhiều hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến những quyền cơ bản nhất của con người, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều mặt của an sinh xã hội và là nguyên nhân dẫn đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác.
Liên hợp quốc xác định tội phạm mua bán người là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu”. Những năm qua, Việt Nam vẫn luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, triển khai nhiều giải pháp để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này.
Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Việt Nam cam kết chung tay phòng, chống mua bán người. |
Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa xã hội, nhất là công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người; đẩy mạnh tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người; kịp thời điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người.
Công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân và theo nguyên tắc “lấy nạn nhân là trung tâm”; công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người được chú trọng và đẩy mạnh với nhiều hoạt động hợp tác song phương và đa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra chuyển truy tố và đưa ra xét xử 29/61 bị cáo phạm các tội danh mua bán người được quy định tại Điều 150, Điều 151, Bộ Luật Hình sự và 1 vụ/1 bị cáo phạm tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người quy định tại Điều 154, Bộ Luật Hình sự; các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, xác minh giải cứu, hỗ trợ 66 nạn nhân bị mua bán…
Thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng, với thủ đoạn tinh vi, như: sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook… để kết nối, dụ dỗ đưa người ra nước ngoài với vỏ bọc đi du lịch; lập hội, nhóm kín “cho và nhận con nuôi”, tìm kiếm người mang thai, sinh con ngoài ý muốn; tìm kiếm việc làm, “việc nhẹ lương cao”, trị bệnh… sau khi con mồi “mắc bẫy”, đưa sang nước ngoài, chúng khống chế, buộc phải lao động nặng nhọc, hoạt động mại dâm, bán nội tạng, đẻ thuê…
Nạn nhân của tội phạm mua bán người thường tập trung ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết pháp luật, muốn có công việc lương cao, nhàn nhã; không ít nạn nhân là các phụ nữ quá lứa, nhỡ thì hoặc cuộc sống gia đình đổ vỡ, bị tổn thương về tình cảm nên có tư tưởng chán nản, bi quan, thất vọng; các em nữ ở tuổi mới lớn chưa có nhiều kinh nghiệm sống…
Điển hình như thời gian gần đây nhiều nạn nhân (chủ yếu trong độ tuổi 18-35 tuổi) bị lừa sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao, nhưng thực chất bị ép vào làm việc tại các sòng bạc; bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở. Khi nạn nân không chịu được sức ép, chúng bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác.
Để đấu tranh, phòng chống mua bán người hiệu quả cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, sự phối hợp, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, sự tham gia tích cực và sự ủng hộ của đông đảo tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, Bộ Công an khuyến cáo, để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trước hết mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động nhận biết được âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người. Tự bảo vệ chính bản thân mình và người thân trước những hành vi phạm tội của tội phạm mua bán người.
Mỗi người dân cần tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm mua bán người; hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng.
Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người vượt biên trái phép, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình kịp thời trình báo cho cơ quan Công an để cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý hoặc số điện thoại đường dây nóng của cơ quan đại diện, tổng đài bảo hộ công dân.