Cựu Đại tá Phùng Anh Lê bị đề nghị mức án 9-10 năm tù
Cựu Đại tá Phùng Anh Lê phủ nhận việc nhận tiền thả người Xét xử cựu Đại tá Phùng Anh Lê : Bị cáo đề nghị đổi kiểm sát viên Sắp xét xử cựu Đại tá Phùng Anh Lê |
Bị cáo Nguyễn Đức Châu (cựu Đội trưởng Cảnh sát hình sự Công an Tây Hồ), bị đề nghị mức án bằng thời hạn tạm giam, tức 10 tháng 27 ngày về tội "Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù". Viện Kiểm sát đề nghị trả tự do cho ông Châu.
Bị cáo buộc đồng phạm với bị cáo Châu, các bị cáo Vũ Công Ngọc (cựu Đội phó Hình sự), và Lê Đình Trung (cựu Đội phó Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp), bị đề nghị 8-10 tháng tù treo.
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan công quyên và cần phải nhận mức án nghiêm khắc.
Các bị cáo tại Toà. |
Xét vai trò của từng bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát nhận thấy bị cáo Phùng Anh Lê nguyên là Trưởng Công an quận, thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra và là người trực chỉ huy hôm 22/9/2016.
Bị cáo Lê biết Nguyễn Hữu Tài bị tạm giữ nhưng sau cuộc gặp với anh Phùng Văn Bảy, ông Lê đã lợi dụng, chức vụ và chiếm hưởng 110 triệu đồng. Sau đó, bị cáo chỉ đạo thuộc cấp đưa Tài ra khỏi nhà tạm giữ rồi thả cho ra về.
Khi điều tra và tại tòa, bị cáo Lê phủ nhận cáo buộc, căn cứ diễn biến tố tụng và các tài liệu thu thập được, Viện Kiểm sát đánh giá bị cáo Lê đã chỉ đạo dừng giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm, cho hòa giải và tha người trái pháp luật.
Viện Kiểm sát nhận định, bị cáo Lê giữ vai trò chính, chủ mưu, có động cơ vụ lợi và cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, bị cáo chưa có tiền án tiền sự, công tác nhiều năm trong lực lượng công an. Quá trình công tác, bị cáo nhiều năm liền đạt thành tích xuất sắc, nên cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ.
Đối với 3 bị cáo còn lại, Viện Kiểm sát đánh giá họ biết bị cáo Lê chỉ đạo thả người trái pháp luật nhưng không ai báo cáo cấp có thẩm quyền, mà thực hiện theo yêu cầu của bị cáo Lê.
Giai đoạn điều tra và xét xử, Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc và Lê Đình Trung đã thành khẩn khai báo, nên cần áp dụng mức án thấp hơn Phùng Anh Lê.
Theo cáo trạng, năm 2016, anh Nguyễn Công Thành (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến Công an phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) tố cáo một nhóm người bắt giữ anh Thành trái pháp luật rồi hành hung. Sau đó, Nguyễn Hữu Tài cùng một số đồng phạm ra đầu thú do liên quan đến sự việc trình báo trên.
Quá trình điều tra, Công an quận Tây Hồ tạm giữ Tài 4 ngày. Sau khi Tài bị tạm giữ, người thân của Tài đã tìm đến ông Phùng Văn Bảy, là người có quan hệ họ hàng với Phùng Anh Lê để nhờ giải quyết. Do nể bạn bè, ông Bảy nhận lời và gọi điện thoại cho Phùng Anh Lê nói sự việc, đồng thời đặt vấn đề nhờ giúp.
Lê yêu cầu gia đình Tài chuẩn bị 110 triệu đồng để hòa giải với bị hại. Làm theo hướng dẫn trên, người quen của gia đình Tài đã mang 110 triệu đồng đến phòng làm việc đưa cho Lê, đặt lên bàn làm việc và nhờ giúp hòa giải.
Nhận tiền, với cương vị Trưởng Công an quận Tây Hồ, Lê chỉ đạo thuộc cấp tha cho Tài về nhà mà không có căn cứ, không có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự.
Hậu quả, Nguyễn Hữu Tài được tha trái pháp luật, đơn trình báo của anh Nguyễn Công Thành không được xác minh làm rõ, hành vi phạm tội của Nguyễn Hữu Tài không bị điều tra xác minh xử lý cho đến khi Công an thành phố Hà Nội phát hiện vụ việc.