Công an quận Tây Hồ điều tra 2 vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 20 tỷ đồng
Người phụ nữ 68 tuổi mất trắng 15 tỷ đồng sau 32 lần chuyển khoản Mạo danh phóng viên, cộng tác viên báo chí để chiếm đoạt tài sản |
2 vụ lừa đảo trên, các đối tượng đều sử dụng cùng chiêu thức là giả danh cán bộ các cơ quan nhà nước như: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Ngân hàng, Bưu điện, Bảo hiểm, Chi cục Thuế… để gọi điện lừa đảo người dân.
Ảnh minh họa: Nguồn Cục An toàn thông tin. |
Ngày 5/5, vì tin lời nam thanh niên không quen biết gọi điện tự xưng là cán bộ Công an quận Hoàn Kiếm đang điều tra một vụ án, bà X đã mất số tiền lớn. Các đối tượng lừa bà X (trú tại phường Xuân La) khai các thông tin cá nhân, truy cập vào đường link gửi qua Zalo, sau đó chuyển hết số tiền đang có trong tài khoản của bà vào tài khoản của cơ quan Công an để được bảo vệ. Vì lo sợ nên bà X đã 6 lần chuyển khoản cho các đối tượng, với tổng số tiền 17,8 tỷ đồng; đây là số tiền mà gia đình bà X vừa bán đất.
Tiếp đó, mới đây vào ngày 13/5, cũng với chiêu bài giả danh Công an phường, đang giúp người dân điều chỉnh thông tin cá nhân, chị T tưởng thật nên đã cung cấp các thông tin cá nhân của mình cho đối tượng lừa đảo, và truy cập vào đường link trên Zalo, gửi ảnh nhận dạng khuôn mặt mình cho kẻ lừa đảo.
Sau 15 phút, thấy điện thoại di động của mình không điều khiển được nữa, lo sợ bị lừa đảo nên chị T đã chạy đến ngân hàng kiểm tra, thì được biết toàn bộ 2 tỷ đồng tiết kiệm trong tài khoản của mình đã bị kẻ gian chiếm đoạt.
Tình trạng mạo danh các cá nhân, đơn vị nhằm mục đích lừa đảo xuất hiện ngày càng nhiều, các cơ quan, chức năng đã liên tục cảnh báo tới người dân. Các đối tượng bị lừa đảo bởi chiêu trò mạo danh đa phần là những người cao tuổi, hoặc những người ít cập nhật các kiến thức lừa đảo trực tuyến.
Riêng tại quận Tây Hồ, thời gian qua, Công an quận đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo các chiêu thức lừa đảo mới tới người dân. Các hình thức lừa đảo thường xuyên được đăng tải, tuyên truyền trên trang Fanfage của Công an quận. Nhờ đó, người dân đã kịp thời cập nhật, đề cao cảnh giác, nhiều người đã thoát bẫy lừa của các đối tượng lừa đảo, tuy nhiên, một số người do chưa cập nhật được các hình thức lừa đảo, nên vẫn bị "sập bẫy lừa".
Trước tình trạng các hình thức lừa đảo ngày càng phức tạp, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân, cần nâng cao kiến thức để bảo vệ bản thân trước các đối tượng lừa đảo mạo danh để tránh bị chiếm đoạt tài sản.
Khi làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập, hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Người dân cần nâng cao cảnh giác, nếu gặp trường hợp lừa đảo tương tự, cần báo ngay cho cơ quan chức năng, cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
N.Hoa