Cảnh giác với biến chứng của bệnh tay chân miệng
Biến chủng BA.5 của Omicron xâm nhập Việt Nam: Mức độ nguy hiểm ra sao? |
Thăm khám cho bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Ảnh: Lê Tấn |
Những sai lầm khi chăm sóc trẻ
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, vào đầu tháng 5-2022, trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận từ 18 đến 20 ca tay chân miệng/tuần, thì đến cuối tháng 5-2022 đã tăng lên 100 ca/tuần. Trong tháng 6 và đầu tháng 7-2022, số ca mắc tay chân miệng tiếp tục tăng lên từ 130 đến 180 ca/tuần. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã có 968 ca mắc tay chân miệng (tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2021). Số ca mắc tay chân miệng có thể gia tăng trong thời gian tới, do đang vào cao điểm mùa dịch.
Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, trong tháng 6 và đầu tháng 7-2022 đã tiếp nhận điều trị cho khoảng 170-180 ca mắc tay chân miệng. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đông Anh) cho biết, dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da. Tổn thương chủ yếu ở dạng phỏng nước, xuất hiện ở lòng bày tay, lòng bàn chân, đầu gối và mông. Sai lầm của các phụ huynh là, khi thấy trẻ càng nổi nhiều mụn nước lại cho rằng bệnh đang tiến triển nặng, nhưng thực tế không phải như vậy. Mụn nước xuất hiện nhiều không phản ánh mức độ nặng của bệnh, mà cần theo dõi xem trẻ có sốt cao không.
“Điều đáng nói, khi thấy trẻ bị sốt, các bà mẹ lại cho con dùng kháng sinh, trong khi tay chân miệng là bệnh do vi rút gây nên, vì vậy, việc dùng kháng sinh không có tác dụng. Điều trị tay chân miệng chủ yếu là điều trị triệu chứng. Khi trẻ sốt dùng thuốc hạ sốt, nếu đau miệng dùng các thuốc bôi miệng, giảm đau để trẻ ăn uống được. Ngoài ra, vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ. Kháng sinh chỉ được sử dụng khi trẻ bị bội nhiễm, bị biến chứng viêm phổi và phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ”, bác sĩ Nguyễn Thanh Hà lưu ý.
Trong một tháng trở lại đây, Khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cũng tiếp nhận khoảng 100 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, trung bình một ngày có khoảng 5-7 ca phải điều trị nội trú. Bác sĩ Nguyễn Thành Lê, Phó Trưởng khoa Nhi cho hay, bệnh tay chân miệng có nhiều nguyên nhân, chủ yếu do vi rút đường ruột gây ra, trong đó có 2 vi rút nguy hiểm: Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Điều đáng lo ngại nhất với bệnh tay chân miệng, chính là chuyển độ nhanh. Khi sốt hơn 2 ngày hoặc sốt cao trên 39 độ C liên tục, kèm theo giật mình, trẻ chuyển sang độ 2, cần được đi khám để bác sĩ xem xét, đánh giá. Với độ 3 và 4, bé ở tình trạng nặng cần được cấp cứu hoặc hồi sức tích cực.
Bệnh nhi mắc tay chân miệng được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh. Ảnh: Xuân Lộc |
Tránh bệnh lây lan ra cộng đồng
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đông Anh), đa số các ca bệnh tay chân miệng là lành tính và hồi phục trong vòng từ 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, có một số biến chứng rất nặng, nếu không được điều trị kịp thời, trẻ dễ bị tử vong. Chẳng hạn, có thể biến chứng về thần kinh như viêm não, viêm màng não; biến chứng tim mạch như suy tim, tăng huyết áp, trụy mạch, viêm cơ tim cấp... Hiện tại, chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Mỗi lần trẻ bị nhiễm bệnh chỉ tạo ra kháng thể với một loại vi rút nhất định, trẻ có thể mắc bệnh trở lại, nếu bị nhiễm vi rút khác thuộc nhóm Enterovirus. Do đó, chú trọng phòng bệnh trong cộng đồng là biện pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ và gia đình.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo, các gia đình thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải bảo đảm được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Ngoài ra, thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Khi có con mắc bệnh tay chân miệng, các gia đình cần báo ngay cho trường học, nhà trẻ hoặc cơ quan y tế gần nhất để có phương án vệ sinh các bề mặt, dụng cụ mà trẻ đã từng tiếp xúc, đồng thời theo dõi sức khỏe các bé đã tiếp xúc với trẻ mắc bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa) thông tin, thời điểm này, trẻ em vẫn đang được nghỉ hè, nên các bậc phụ huynh cần lưu ý theo dõi sức khỏe cho trẻ, tránh tiếp xúc nguồn bệnh. Nếu có các triệu chứng: Nốt phỏng vùng lòng bàn tay, chân và trẻ có các nốt viêm loét trong miệng gây đau..., thì tránh tiếp xúc với các trẻ khác trong gia đình, hàng xóm. Đối với trẻ bị bệnh tay chân miệng phải được cách ly ít nhất là 10 ngày, kể từ khi khỏi bệnh. Nếu trẻ có các dấu hiệu sốt cao, nôn nhiều, rung giật cơ, thậm chí co giật..., cần đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Theo Thu Trang/hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1036604/canh-giac-voi-bien-chung-cua-benh-tay-chan-mieng