Cẩn trọng với “giặc lửa” trong việc đốt vàng mã
Theo văn hóa và tín ngưỡng dân gian, tháng 7 Âm lịch được gọi là “tháng cô hồn”. Đây là thời điểm người dân tiến hành rất nhiều hoạt động thờ cúng, tâm linh để mong cầu sự bình an, tránh xui xẻo trong cuộc sống và công việc. Vì thế, nhiều gia đình dù kinh tế không khá giả cũng cố gắng để sắm đầy đủ bộ lễ cúng trọn vẹn, thể hiện đạo lý làm con.
Dạo một vòng trên địa bàn thành phố Hà Nội những ngày này, có thể thấy người dân đều đổ đến các chợ dân sinh mua sắm vàng mã rất đông. Việc thắp hương thờ cúng tổ tiên, đốt vàng mã trong những ngày lễ tết, rằm tháng 7 vốn đã tồn tại trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ lâu đời nay. Tuy nhiên, chính những thói quen này cũng tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ luôn được các cơ quan chức năng khuyến cáo.
Thói quen đốt vàng mã bừa bãi là một trong những nguyên nhân gây cháy nổ. |
Bà Nguyễn Thị Hương, người dân phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Mặc dù việc thắp hương, thờ cúng tổ tiên, đốt vàng mã vốn là những phong tục tập quán lâu đời của người Việt. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người vẫn đang lạm dụng. Tôi cho rằng, việc đốt quá nhiều vàng mã là không văn minh, ảnh hưởng môi trường, đặc biệt rất nguy hiểm nếu xảy ra”.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội trong nhiều năm qua cũng đã xảy ra các vụ cháy, nổ liên quan đến việc thắp hương hay đốt vàng mã. Mới đây nhất, khoảng 11h30 ngày 9/8, Trung tâm chỉ huy Công an thành phố Hà Nội nhận được thông tin cháy nhà dân xảy ra tại ngõ 32, phố Hoàng Đạo Thành, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Công an quận Thanh Xuân đã nhanh chóng điều động lực lượng kịp thời thực hiện công tác cứu hộ 2 cháu nhỏ thoát ra ngoài an toàn.
Bước đầu, vụ cháy không gây thiệt hại về người. Nguyên nhân, ban đầu xác định: do chủ nhà hóa vàng cạnh đống quần áo, nhưng quên đổ tàn lửa nên đã bén sang các vật liệu khác gây cháy.
Trước đó, dư luận vẫn còn chưa quên vụ cháy kinh hoàng tại phường Khương Thượng, quận Đống Đa vào tháng 2 năm 2021, ngọn lửa bao trùm ngôi nhà cấp 4 ở ngõ 8 phố Tam Khương, khiến 4 nạn nhân tử vong mà nguyên nhân cũng là từ việc đốt vàng mã gây nên.
Trên thực tế, những vụ cháy, nổ xảy ra do thắp hương, đốt vàng mã chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân như bố trí nơi thắp hương thờ cúng chật chội không đảm bảo khoảng cách phòng cháy chữa cháy, để quá nhiều vàng mã gần vị trí thắp hương dẫn đến việc khi xảy ra sự cố, rất dễ bắt cháy gây ra hỏa hoạn.
Hệ thống các thiệt bị điện sử dụng trên bàn thờ không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, tiết diện dây dẫn điện không đảm bảo về cường độ dòng điện, hệ thống điện không có át tô mát đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, dẫn đến dễ xảy ra chập điện.
Đối với việc đốt vàng mã, người dân thường đốt vàng mã ở vị trí không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy dễ tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy, đốt trong các vật liệu dễ cháy, trong quá trình đốt không có người trông coi, tàn lửa có thể cháy lan sang các vật dụng xung quanh.
Lực lượng chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy. |
Để phòng cháy chữa cháy trong quá trình thắp hương, thờ cúng, đốt vàng mã, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã đưa ra nhiều cháyến cáo. Theo đó, người dân cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy; tuân thủ việc đốt vàng mã tại nơi quy định. Khi thắp hương, người dân cần thắp hương cách xa trần nhà và các vật dụng dễ cháy; ban thờ phải làm bằng vật liệu chống cháy và có vách ngăn cháy lan.
Tại các hộ gia đình, doanh nghiệp, các cửa hàng kinh doanh, các kiôt ở chợ, sau khi cúng lễ, người dân cần lưu ý tắt hết hương, đèn khi rời khỏi. Các tiểu thương phải đến khu vực riêng dành cho việc thắp hương tại chợ.
Khi đốt vàng mã, người dân không nên đốt quá nhiều; phải sử dụng thùng kim loại (sắt, inox) có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh và phải chờ vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy lên tro để dập tắt lửa hoàn toàn…
Tại các khu vực đền, chùa cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng cháy chữa cháy cho những người làm việc phục vụ tại chỗ, phát trên loa tuyên truyền cho khách đến cúng, viếng, cùng có ý thức chấp hành về phòng cháy chữa cháy.
Khi phát hiện có cháy, nổ xảy ra hãy bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho mọi người biết để mau chóng di chuyển ra ngoài qua lối thoát nạn an toàn đồng thời báo ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy theo số điện thoại.
Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cũng đã hướng dẫn các kỹ năng thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Cụ thể, người dân phải thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính hoặc cửa phụ.
Trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn.
Trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác: Qua ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây… hoặc trổ lối thoát lên mái nếu là mái nhà kết cấu bằng các loại tấm lợp….
Người dân tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh. Trường hợp không còn lối thoát nào khác hãy dùng chăn thấm ướt, trùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể.
Trường hợp lối và đường thoát nạn bị nhiễm khói, lửa mà không thể thoát ra ngoài theo lối cầu thang bộ ra cửa chính, nhanh chóng sử dụng khăn vải, băng dính chèn và gián vào khe cửa để khói, khí độc không lan được vào phòng đang ở, di chuyển ra ban công, gọi to, ra hiệu, sử dụng những vật dụng để báo động cho những người xung quanh được biết.
Đồng thời, gọi điện báo cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy qua số 114. Lưu ý thông tin chính xác cho lực lượng chức năng số lượng người bị nạn, tình trạng người bị nạn và vị trí người bị nạn.