Cần quy định cụ thể các tài liệu lưu trữ không được tiếp cận
Cảnh báo thủ đoạn mạo danh cảnh sát PCCC để bán tài liệu Cảnh giác thủ đoạn sử dụng con dấu, tài liệu giả để lừa doanh nghiệp |
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vừa có văn bản góp ý vào dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, với nhiều điểm mới quan trọng.
Chưa rõ cơ chế quản lý đối với tài liệu lưu trữ quý, hiếm
Theo quy định tại Dự thảo Luật, Nhà nước có chính sách thừa nhận quyền sở hữu đối với tài liệu lưu trữ và các hoạt động liên quan đến tài liệu lưu trữ tư sẽ thực hiện trên cơ sở quyền của chủ sở hữu, Nhà nước chỉ can thiệp và/hoặc hạn chế khi các yếu tố lợi ích công cộng bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, VCCI cho rằng, Dự thảo Luật đang chưa quy định rõ và thống nhất về cơ chế quản lý đối với tài liệu lưu trữ quý, hiếm. Khoản 1 Điều 13 Dự thảo Luật quy định “tài liệu lưu trữ quý, hiếm không phân biệt hình thức sở hữu được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lưu trữ ở trung ương và cấp tỉnh, được lựa chọn để đăng ký vào chương trình, danh hiệu của khu vực và thế giới”.
Theo quy định này thì “được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lưu trữ” là “quyền” và người có tài liệu lưu trữ quý, hiếm có thể thực hiện quyền hoặc không, tức là có thể thực hiện đăng ký hoặc không đăng ký với cơ quan nhà nước.
Ảnh minh họa. Ảnh: Minh Đức/VGP. |
Trong khi đó, khoản 2 Điều 16 Dự thảo Luật lại quy định “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hiến tặng, ký gửi, đăng ký, bán tài liệu lưu trữ của mình cho Nhà nước. Tài liệu lưu trữ quý, hiếm phải được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lưu trữ”. Quy định này lại theo hướng cá nhân, tổ chức có tài liệu lưu trữ quý, hiếm bắt buộc phải đăng ký.
Như vậy, ngay trong Dự thảo Luật cũng chưa rõ việc đăng ký tài liệu lưu trữ quý, hiếm với cơ quan nhà nước là thủ tục bắt buộc hay không, do đó cần thống nhất để đảm bảo rõ ràng trong chính sách.
Quy định cụ thể các tài liệu lưu trữ không được tiếp cận
Về tiếp cận thông tin tài liệu lưu trữ, tại khoản 2 Điều 32 Dự thảo Luật quy định về các trường hợp tài liệu lưu trữ không được tiếp cận gồm: 1) Tài liệu thuộc Danh mục tài liệu có đóng dấu chỉ các mức độ mật và chưa được giải mật; (2) Tài liệu không thuộc Danh mục tài liệu có đóng dấu chỉ các mức độ mật nhưng “có nội dung thông tin nếu sử dụng rộng tãi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
VCCI cho rằng, quy định tại trường hợp (2) là chưa thực sự rõ ràng, bởi vì cách thức nào để biết được tài liệu lưu trữ mặc dù không thuộc Danh mục tài liệu mật nhưng lại không được phép tiếp cận? Điều này có thể khiến việc khai thác các tài liệu lưu trữ gặp khó khăn, vì vậy cần quy định rõ việc xác định các loại tài liệu thuộc trường hợp (2) như thế nào, cơ quan, tổ chức nào công bố?
Về tiếp cận tài liệu lưu trữ liên quan đến cá nhân, điểm b khoản 3 Điều 32 Dự thảo Luật quy định: “Tài liệu lưu trữ liên quan đến cá nhận được tiếp cận rộng rãi sau 40 năm nếu được cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp của cá nhân đó phép”.
VCCI cũng cho rằng, điều này chưa rõ ràng, vì theo quy định trên, để được tiếp cận rộng rãi tài liệu liên quan đến cá nhân cần đáp ứng cả hai điều kiện gồm: sau 40 năm và cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp của cá nhân đó đồng ý.
“Điều này là chưa hợp lý, vì nếu cá nhân đó là chủ sở hữu của tài liệu lưu trữ, thì không cần phải quy định về mốc thời gian là 40 năm, tài liệu này có thể được tiếp cận bất kì thời gian nào, miễn là cá nhân/người đại diện hợp pháp của cá nhân cho phép.
Nếu cá nhân đó không phải là chủ sở hữu của tài liệu lưu trữ thì có thể hiểu, sau 40 năm, quyền của chủ sở hữu sẽ không còn được bảo hộ, nhưng điều kiện để tiếp cận tài liệu này vẫn phải có sự đồng ý của cá nhân có liên quan trong tài liệu. Điều này chưa thực sự phù hợp, trong một số trường hợp, cá nhân không còn có quyền đối với các nội dung trong tài liệu”, văn bản góp ý của VCCI nêu.
Bên cạnh đó, thời hạn 40 năm quy định trên là chưa khớp với thời hạn thời hạn bảo hộ quyền tài sản theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Điều này sẽ khiến việc thực hiện gặp một số khó khăn khi tài liệu lưu trữ thuộc sản phẩm là đối tượng của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
H.L