Bảo quản thực phẩm đúng cách mùa nắng nóng
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo đảm an toàn thực phẩm |
Đi chợ một lần… ăn cả tuần
Từ nhiều năm nay, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, chị Lê Mai Hoa (Long Biên, Hà Nội) có thói quen đi chợ một lần dùng cho cả tuần. Chị Hoa cho biết: “Mình tính số ngày và luôn mua đủ luôn cả rau, thịt cá. Thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, ít phải lên cơ quan nên mình cẩn thận làm sạch, sơ chế các loại rau củ cất vào hộp riêng. Tuy nhiên, khi cuộc sống trở lại bình thường mình vẫn giữ thói quen đi chợ một lần cho cả tuần nhưng đôi khi quá vội, việc sơ chế không còn cẩn thận như trước”.
Bên cạnh đó, mùa thu đông thời tiết Hà Nội mát mẻ, việc bảo quản thực phẩm lâu hơn. Tuy nhiên, bước vào mùa hè, thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm nhanh bị hỏng, mốc.
Cần sơ chế cẩn thận thực phẩm |
“Nhiều hôm, mình thấy rau có phần hơi héo úa nhưng chưa đến ngày đi chợ mình vẫn cố nấu cho gia đình. Hậu quả, cả nhà mình suýt phải đi cấp cứu vì có các triệu trứng của ngộ độc thực phẩm”, chị Hoa kể.
Giống như chị Hoa, chị Phạm Hải (Thanh Trì, Hà Nội) cũng có thói quen đi chợ một lần dùng cho nhiều ngày sau. Chị Hải cho biết, chị một nách hai con nhỏ, chồng đi làm xa không có người hỗ trợ nên để đỡ mất thời gian chị thưởng đi chợ một lần mua thực phẩm cho một tuần thậm chí hai tuần.
Tuy nhiên, không ít lần chị đã phải đổ bỏ vì thực phẩm bị hư hỏng. “Tưởng tiết kiệm nhưng mình thấy tốn kém hơn khi không biết bảo quản thực phẩm đúng cách. Đặc biệt mùa nắng nóng thực phẩm nhanh bị hư hỏng hơn”, chị Hải chia sẻ.
Tuân thủ các quy tắc vàng
Theo các chuyên gia, thời tiết nắng nóng là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm mốc làm cho thức ăn nhanh hỏng, dễ bị ôi thiu, nếu không bảo quản cẩn thận. Thêm vào đó, khi nhiệt độ tăng cao cũng khiến sức khỏe con người bị giảm sút, nên khi tiếp xúc với thực phẩm nhiễm vi khuẩn sẽ dễ bị ngộ độc.
Thực phẩm cho vào tủ lạnh cần được đóng gói, bọc kín. |
Để tránh ngộ độc thực phẩm do thói quen sinh hoạt hàng ngày, người dân nên tuân thủ một số quy tắc khi bảo quản thức ăn: Cần phải phân loại thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh. Để riêng thực phẩm chín và thực phẩm sống. Rau quả tươi phải được rửa sạch, để ráo nước mới được cho vào tủ lạnh.Tất cả thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh phải được gói kín hoặc để trong khay, hộp có nắp đậy kín. Thức ăn chín bảo quản trong tủ lạnh phải được đun sôi lại trước khi dùng. Đặc biệt cần vệ sinh tay sạch sẽ trước khi chế biến thực phẩm.
Riêng với các loại rau củ, không nên rửa sạch nếu chưa có nhu cầu sử dụng ngay liền. Thay vào đó bạn hãy loại bỏ những phần bị úng, héo và tuyệt đối không để rau củ bị dính nước. Sau đó, bạn chia rau củ với lượng vừa phải, rồi cho vào túi zip hoặc túi nilong (có lỗ thoát khí) và đặt vào ngăn rau quả của tủ lạnh.
Những thực phẩm đã được chế biến và còn thừa lại sau bữa ăn thì không nên để ngoài quá 2 giờ. Nó có thể bị nhiễm khuẩn và làm biến đổi thực phẩm gây ngộ độc khi sử dụng lại. Thay vào đó, hãy bỏ những thực phẩm còn thừa này vào từng hộp và giữ chúng ở trong tủ lạnh hoặc có thể đông lạnh nếu muốn kéo dài thời gian bảo quản hơn.
Nếu bạn nghĩ rằng, thực phẩm mà bạn đang chuẩn bị sử dụng có thể đã bị ô nhiễm bạn hãy loại bỏ chúng đi. Điều quan trọng là bạn nên đặt vấn đề an toàn thực phẩm lên hàng đầu.
Bên cạnh việc ăn uống lành mạnh để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, mọi người cần tập luyện thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc; không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia... giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Với vai trò người nội trợ, hãy là người thông thái trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm để tránh nguy cơ ngộ độc, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Theo Nguyễn Dũng/tuoitrethudo.com.vn
https://tuoitrethudo.com.vn/bao-quan-thuc-pham-dung-cach-mua-nang-nong-224876.html