Xét xử vụ AIC: Các luật sư đề nghị tạm đình chỉ truy tố đối với 8 bị cáo vắng mặt
Sau khi đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội công bố bản luận tội 36 bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hiệu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Luật sư Dương Văn Nghị (được chỉ định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn) đã nêu quan điểm bào chữa.
Luật sư Nghị cho biết, bà Nhàn đã xuất cảnh từ giữa năm 2021, trước khi Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nhàn. Vì vậy, Luật sư Nghị khẳng định cơ quan điều tra chưa thể lấy lời khai của bị cáo Nhàn trong quá trình truy tố hay xét xử; Chủ tịch AIC cũng không thể trình bày ý kiến của bản thân trước những cáo buộc của cơ quan tố tụng.
Luật sư đề nghị tạm đình chỉ truy tố đối với 8 bị cáo vắng mặt. (Ảnh: TTXVN) |
Từ đó, Luật sư Nghị cho biết ngay cả người bào chữa cũng không nắm được quan điểm của bà Nhàn, liệu bà này có nhận tội hay không. Mặt khác, do một số bị cáo có vai trò quan trọng trong vụ án như Phó Tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà hay kế toán trưởng AIC Đỗ Văn Sơn và 4 bị cáo liên quan đang bỏ trốn, vì thế việc bào chữa chỉ có thể căn cứ hồ sơ vụ án, kết quả xét hỏi tại tòa.
Theo ông Nghị, vai trò của bà Nhàn trong việc gian lận đấu thầu chưa thể hiện rõ. Bởi Công ty AIC có hơn 100 ngành nghề kinh doanh chứ không chỉ thiết bị y tế. Để thực hiện dự án cung cấp thiết bị y tế tại 16 gói thầu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bà Nhàn ủy quyền cho Phó Tổng Giám đốc Hoàng Thị Thúy Nga. Việc ủy quyền được thể hiện trong giấy ủy quyền, đảm bảo tính pháp lý.
Cuối phần bào chữa, luật sư nhận định thân chủ của ông có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, trước khi phạm tội có nhiều đóng góp cho xã hội và thành tích được trao tặng nhiều bằng khen. Vì thế, ông mong được xem xét là yếu tố giảm nhẹ cho bà Nhàn.
Người tiếp theo bào chữa cho cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC Trần Mạnh Hà (hiện bị quy kết đang bỏ trốn), là luật sư Nguyễn Thanh Tùng cũng trình bày khó khăn khi không thể xác định thân chủ muốn bào chữa theo hướng nào. Luật sư cho biết chưa có tài liệu nào chứng minh Trần Mạnh Hà có thỏa thuận hay đặt ra yêu cầu đưa tiền để Công ty AIC được tạo điều kiện trúng thầu. Trong hồ sơ vụ án không có tài liệu thể hiện chứng cứ vật chất đưa tiền mà chỉ có lời khai của các bị cáo về việc nhận tiền, nhưng không có người làm chứng. Luật sư đặt ra câu hỏi “Nếu chỉ sử dụng lời khai của các bị cáo thì có thỏa mãn hay không?”.
Luật sư nói rõ: “Có những lời khai mâu thuẫn, phải được đối chất làm rõ nhưng thân chủ của tôi không có mặt để đối chất. Vậy tại sao lại dùng một lời khai để quy kết?”. Ngoài ra, vị luật sư cũng cho biết không có chuyện Hà bàn bạc với Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ, Bồ Ngọc Thu về việc tạo điều kiện cho AIC trúng thầu vì Trần Mạnh Hà không phụ trách khu vực miền Nam.
Liên quan đến việc xét xử vắng mặt, theo luật sư, xét xử không có mặt bị cáo thì phải đình chỉ xét xử để xác định lại; trường hợp không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu thì phải ra quyết định truy nã, khi chưa biết bị can ở đâu thì đều phải đình chỉ xét xử. Không có họ ở đây thì không đủ cơ sở thẩm tra, đánh giá. Từ đó, luật sư đề nghị xem xét quyết định tách hồ sơ vụ án để tạm đình chỉ truy tố đối với 8 bị cáo vắng mặt.