Vi phạm hành chính về giáo dục nghề nghiệp có thể bị phạt tới 150 triệu đồng
Thanh tra Sở GTVT Hà Nội lập biên bản vi phạm hành chính 13.048 trường hợp Tăng cường thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH |
Đào tạo ở trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2. (Ảnh: Lilama2.edu.vn) |
Nhiều nội dung đáng quan tâm
Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12.
Văn bản quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (sau đây gọi là lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp).
Bốn nhóm hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp không quy định tại Nghị định này áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
Đối tượng áp dụng là cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây gọi tắt là cá nhân, tổ chức).
Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng. |
Hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền. Bên cạnh đó, có 4 hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Trục xuất; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn.
Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng.
Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Hộ kinh doanh, hộ gia đình có mở lớp đào tạo nghề vi phạm các quy định của Nghị định này bị áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân.
Trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính nhiều lần thì được coi là tình tiết tăng nặng để làm căn cứ xem xét xử phạt vi phạm hành chính.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là 1 năm.
Phạt tới 60 triệu đồng với vi phạm quy định về tuyển sinh
Nghị định nêu rõ các mức xử phạt với các vi phạm quy định về hoạt động tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.
Với vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh, phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi không công bố ngưỡng đầu vào đối với ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng có quy định ngưỡng đầu vào.
Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi hoặc xét tuyển người vào học các ngành, nghề đào tạo hoặc chương trình đào tạo của nước ngoài khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài hoặc không báo cáo cơ quan có thẩm quyền về điều kiện bảo đảm tự chủ quyết định liên kết đào tạo với nước ngoài. Ngoài ra, còn có các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.
Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh sai đối tượng học trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. Trong đó, mức phạt tiền cao nhất từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi tuyển sinh sai đối tượng trình độ cao đẳng từ 30 người học trở lên.
Với văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động khi đã hết thời hạn quy định trong giấy phép thành lập; phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi hoạt động ngoài nội dung ghi trong giấy phép thành lập; phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi hoạt động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập.
Về quản lý và cấp phát văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp-chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp-chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp, phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đúng mẫu quy định; Cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đúng thẩm quyền theo quy định.
Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi không xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý văn bằng, chứng chỉ. Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi không cập nhật văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp do cơ sở mình cấp trên trang thông tin tra cứu văn bằng giáo dục nghề nghiệp của cơ quan có thẩm quyền.
Phạt tiền đối với hành vi cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đúng tên ngành, nghề đào tạo hoặc ngành, nghề đào tạo không được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài; ngành, nghề đào tạo không có tên trong quyết định tự chủ mở ngành, nghề đào tạo, quyết định tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài; cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đủ điều kiện tốt nghiệp theo quy định nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo năm mức phạt cụ thể. Trong đó, mức phạt cao nhất từ 120 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với hành vi vi phạm từ 40 người học trở lên.
Về quản lý hồ sơ người học, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sửa chữa hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc đánh giá kết quả học tập của người học; Lập hồ sơ quản lý người học không đúng quy định; Vi phạm quy định về lưu trữ, bảo quản hồ sơ của người học.
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi thu, giữ hồ sơ, giấy tờ của người học không đúng quy định. Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không quản lý đầy đủ hồ sơ, tài liệu của người học là người nước ngoài theo quy định.
Nghị định số 88/2022/NĐ-CP gồm 4 chương, 45 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2022.
Nghị định số 79/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Ước tính năm 2022, cả nước có khoảng 1.877 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 409 trường cao đẳng; 438 trường trung cấp; 1.030 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là 1.184 cơ sở, giảm 4% so với năm 2021. |
Theo Hà Dung/nhandan.vn