Tăng cường thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH
Tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất
Để đảm bảo mục tiêu tăng thu (đối tượng, mức đóng), giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT, trong 3 tháng cuối năm, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1774/QĐ-BHXH ngày 30/12/2021 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2022.
BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT. Ảnh minh họa. |
Bên cạnh đó, cần tiến hành rà soát danh sách các đơn vị trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kịp thời điều chỉnh, thay thế đơn vị thanh tra, kiểm tra để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Ngoài ra, tăng cường thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT, đặc biệt là các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên hoặc đơn vị có số tiền chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT lớn.
BHXH Việt Nam yêu cầu cán bộ, viên chức, người lao động toàn ngành đổi mới phương pháp làm việc, linh hoạt trong triển khai thanh tra đột xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đánh giá, khai thác dữ liệu để xác định các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT vừa nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra, tiết kiệm thời gian làm việc trực tiếp tại các đơn vị sử dụng lao động vừa đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật thanh tra.
Trong đó chú trọng việc phát hiện các trường hợp đóng thiếu mức đóng, các trường hợp thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH, BHTN, BHYT nhưng không đăng ký tham gia. Trên cơ sở số lao động giữa cơ quan Thuế và cơ quan BHXH, tiến hành phân tích, sàng lọc và nhận diện dấu hiệu vi phạm; thực hiện kiểm tra Sổ quản lý nhân sự, Hợp đồng lao động, Bảng thanh toán tiền lương, Sổ chi tiết các tài khoản kế toán, quyết toán thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp của cơ quan Thuế để xác định, yêu cầu truy thu, tăng mới đối tượng bắt buộc phải tham gia theo quy định.
Kiên quyết xử lý nghiêm
BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố khi phát hiện các vụ việc vi phạm hành chính về đối tượng, phương thức, mức đóng BHXH, BHTN, BHYT cần xử lý nghiêm, không bỏ lọt hành vi hoặc xử phạt không đúng hình thức, mức phạt được quy định đối với lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng yêu cầu cán bộ, viên chức, người lao động thường xuyên nghiên cứu, cập nhật văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật khác có liên quan để nâng cao chất lượng hiệu quả trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung, biểu mẫu…
Cụ thể: Lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Quy định của pháp luật về thời hạn, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Tổ chức cưỡng chế thi hành đối với những tổ chức, cá nhân không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thời hạn phải thực hiện ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính (bao gồm cả các trường hợp có khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính) theo quy định tại Khoản 43, Điều 1 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đồng thời, tăng cường, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT (bao gồm cả việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả vi phạm); nghiêm túc theo dõi việc thực hiện kết luận, xác định rõ số đã thực hiện, số chưa thực hiện, nêu rõ nguyên nhân và các giải pháp khắc phục.
Riêng việc theo dõi thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải xác định, phân loại để tiếp tục theo dõi, đôn đốc các quyết định còn thời hiệu thi hành, đối với quyết định đã hết thời hiệu thi hành thì tiếp tục đôn đốc việc khắc phục hậu quả theo quy định tại Khoản 36, Điều 1 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam yêu cầu gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để tỷ lệ nợ đóng BHXH, BHTN, BHYT cao hơn so với tỷ lệ nợ do BHXH Việt Nam giao; phát hiện hành vi vi phạm về đóng BHXH, BHTN, BHYT nhưng không xử phạt vi phạm hành chính; sau khi thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính các đơn vị đã khắc phục hậu quả nhưng tiếp tục vi phạm; không ra quyết định cưỡng chế thi hành đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân tổ chức không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi đã hết thời hạn.