Triển khai tín dụng xanh còn nhiều vướng mắc
CPTPP cú hích để doanh nghiệp Việt đổi mới mô hình theo tiêu chuẩn xanh hóa Nỗ lực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu Kinh tế Việt Nam đang dần lấy lại đà tăng trưởng |
Tại Hội thảo Hội thảo "Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách", Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, các dự án xanh thường có kỳ hạn dài, có thể lên đến 20 năm, chi phí đầu tư lớn,…. trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) thường là vốn huy động ngắn, trung hạn và bên vay đòi hỏi lãi suất ưu đãi.
Với trái phiếu xanh, còn thiếu các hướng dẫn chi tiết của các cơ quan chức năng như thông tin, tiêu chí về dự án xanh; cơ chế quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn vốn …; khung pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng nhà đầu tư trên thị trường trái phiêu doanh nghiệp còn chưa hoàn thiện; chưa có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành và đầu tư trái phiếu xanh.
Với cổ phiếu xanh, các công ty niêm yết chưa có sự chủ động đưa ESG vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện hiện tượng lợi dụng nhãn mác xanh nhưng không thực sự vì môi trường (Green washing).
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, để phát triển tài chính xanh tốt hơn, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh một cách hài hòa, hiệu quả giữa các kênh dẫn vốn, gắn với các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Vì vậy nên có những nhóm giải pháp cụ thể, đó là hoàn thiện khung chính sách cho phát triển thị trường tài chính xanh. Các chính sách liên quan đến thị trường tài chính xanh cần sớm được ban hành cụ thể song song hoặc lồng ghép với những chính sách về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng và ứng phó biển đổi khí hậu... Trong đó, cần xác định các lĩnh vực ưu tiên trước như năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch.
Cần xác định các lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng xanh như năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch. (Ảnh minh họa: TH) |
Có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn (cả Nhà nước và tư nhân) cho đầu tư xanh bằng cách ban hành các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, lãi suất và hỗ trợ các chi phí liên quan đến phát hành trái phiếu xanh, cung cấp tín dụng xanh; đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình phát hành trái phiếu xanh, tín dụng xanh như nêu trên. Nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển xanh; nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Khoa học công nghệ.
Chính phủ sớm ban hành bộ tiêu chí về dự án xanh, công trình xanh, công sở xanh…; cập nhật các tiêu chí trái phiếu xanh, tín dụng xanh cho phù hợp với mục tiêu mới, bối cảnh mới và theo thông lệ quốc tế (ít nhất là tiêu chuẩn ASEAN). Đồng thời, cần có thêm hướng dẫn trong trường hợp nếu dự án hoặc hạng mục dự án không đảm bảo được tính xanh sau mỗi kỳ đánh giá như cách thức xử lý, khắc phục vi phạm, công bố thông tin về vi phạm, xét duyệt lại sau khi hoàn thiện khắc phục.
Cần hoàn thiện chính sách, đơn giản hóa thủ tục và khuyến khích các tổ chức trong nước tham gia vào quá trình xác nhận, chứng nhận khung dự án xanh, trái phiếu xanh và dán nhãn dự án xanh, trái phiếu xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, xây dựng bộ tài liệu mẫu (công bố thông tin trước phát hành, công bố thông tin định kỳ, báo cáo…) về việc hướng dẫn hoạt động phát hành trái phiếu xanh trong nước và quốc tế làm cơ sở để các đơn vị tham gia thống nhất thực hiện.
Quan tâm phát triển thị trường tài chính, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường cổ phiếu, thị trường quỹ và thị trường phái sinh nhằm: Giảm tải phụ thuộc vốn trung dài hạn vào hệ thống ngân hàng, tạo lập hệ sinh thái về huy động vốn và phân bổ vốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp và nhà đầu tư; góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán; kiểm soát rủi ro liên thông giữa ngân hàng - chứng khoán - bất động sản…., trong đó cần tham khảo mô hình 5Is của Malaysia, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu, an ninh mạng, bảo vệ người tiêu dùng tài chính, giáo dục tài chính….
Chính phủ, các bộ ngành có chính sách, giải pháp để trực tiếp hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính tiếp cận các nguồn tài chính xanh quốc tế, các chương trình đào tạo, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về tăng trưởng xanh và tài chính xanh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục - đào tạo, tập huấn, chương trình phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tài chính xanh, đầu tư và kể cả tiêu dùng xanh cho các bên liên quan.
"Cuối cùng, bản thân doanh nghiệp, tổ chức tài chính cần có kế hoạch, chiến lược phát triển xanh, phát triển bền vững, xây dựng văn hóa xanh, chủ động lập báo cáo ESG, báo cáo phát triển bền vững; đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực liên quan, nhất là các bộ phận liên quan đến tài chính xanh, tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường - xã hội và ESG", chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Bảo Thoa