Sẽ tiếp tục thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm
Nâng cao hiệu quả quản lý thuế từ dữ liệu bảo hiểm xã hội Trao tặng 2 triệu mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 Đề xuất tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bằng 70% thu nhập |
Tại họp báo thường kỳ quý 3/2023, ông Doãn Thanh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan này đã hoàn thành thanh tra 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là AIA và Dai-ichi; đang thanh tra Manulife và 1 doanh nghiệp khác.
Đối với việc thực hiện kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã công bố, ông Doãn Thanh Tuấn cho hay, kết luận thanh tra gồm 2 phần: Kiến nghị về chuyên môn và kiến nghị về tài chính. Với kiến nghị về chuyên môn, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã chấp hành. Với phần kiến nghị về tài chính, đến nay, doanh nghiệp bảo hiểm đang phối hợp với cơ quan thuế thực hiện.
Trước đó, tại kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm Prudential, Sun Life, BIDV Metlife, MB Ageas, Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt sai phạm của đại lý tư vấn bảo hiểm và yêu cầu tổng giám đốc doanh nghiệp bảo hiểm xử lý nghiêm, có văn bản báo cáo Bộ Tài chính.
Theo đó, các sai phạm phổ biến của các doanh nghiệp bảo hiểm gồm: chưa triển khai đúng trình tự, thủ tục bán sản phẩm bảo hiểm; chưa đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng trong quá trình tư vấn sản phẩm; nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định về sử dụng mã số đại lý bảo hiểm.
(Ảnh minh họa) |
Bộ Tài chính yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bổ sung hàng trăm tỷ đồng vào doanh thu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Số tiền này do doanh nghiệp hạch toán chi phí chưa đúng quy định. Số tiền doanh nghiệp phải bổ sung vào thu nhập chịu thuế gồm: Prudential bổ sung 700 tỷ đồng, Sun Life bổ sung hơn 600 tỷ đồng, BIDV Metlife bổ sung 174 tỷ đồng và MB Ageas bổ sung 2,5 tỷ đồng.
Ông Doãn Thanh Tuấn cho biết, Cục đã cử người giám sát để cùng các doanh nghiệp đảm bảo thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra. Đến nay, các doanh nghiệp bảo hiểm đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu thanh tra, để từ đó giúp nâng cao chất lượng phục vụ hơn nữa khách hàng, hạn chế tối đa các sai sót. Các doanh nghiệp cũng đang cùng cơ quan quản lý tiến hành rà soát, thực hiện kê khai về xử lý hành chính.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm 9 tháng ước đạt 165,6 nghìn tỷ đồng, giảm 6,92% so với cùng kỳ năm 2022; tổng tài sản đạt 890,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7%; đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 746,7 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4%; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 57,1 nghìn tỷ đồng, tăng 30,2%.
Bộ Tài chính cũng thông tin, trong 9 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 52.920 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 531.631 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan và 844 hồ sơ kiểm tra sau thông quan; kiến nghị xử lý tài chính 61.551,16 tỷ đồng (trong đó: Kiến nghị thu hồi nộp 17.977,12 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 39.671 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 3.902,97 tỷ đồng); số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước trong kỳ 12,242,59 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 8/2023, đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về các sản phẩm bảo hiểm của Bộ Tài chính đã tiếp nhận, xử lý 233 kiến nghị phản ánh qua điện thoại và 492 kiến nghị phản ánh qua hộp thư điện tử. |
Bảo Thoa