Người dân được sử dụng pháo hoa (loại không gây ra tiếng nổ) trong dịp Tết
Mua pháo về chơi Tết, người đàn ông bị bắt quả tang Hà Nội: Nghiêm cấm học sinh, giáo viên sử dụng pháo nổ trái phép |
Vào dịp Tết, nhiều người dân mua pháo hoa với mong muốn tạo thêm không khí vui tươi. Tuy nhiên, vẫn có không ít người bị phạt vì sử dụng pháo, trong khi pháp luật đã quy định cụ thể về vấn đề này.
Theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ thì pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.
Còn pháo hoa là “sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ”.
Ảnh minh họa. (Ảnh: VGP) |
Điều 17 của Nghị định số 137/2020/NĐ-CP nêu rõ: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa”.
Như vậy, trong dịp Tết, người dân được phép sử dụng pháo hoa chỉ có âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian mà không gây tiếng nổ. Đồng thời, khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa, nghiêm cấm việc tổ chức, cá nhân tự ý sản xuất, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ và pháo hoa nổ.
Hiện nay, chỉ có 2 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được cấp phép kinh doanh sản phẩm pháo hoa, gồm: Nhà máy Z121 và Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng (Tổng Công ty GAET). Trong đó, Nhà máy Z121 hiện có 247 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm pháo hoa tại 52/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Công ty GAET hiện có 2 cửa hàng tại Hà Nội và Ninh Bình.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cũng vừa đưa ra cảnh báo để người tiêu dùng đảm bảo quyền lợi khi mua pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2023. Theo cơ quan này, để đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2022, tổng sản lượng sản xuất và cung ứng các loại sản phẩm pháo hoa cho các cửa hàng của Nhà máy Z121 là trên bốn 4 triệu sản phẩm, gấp 10 lần sản lượng năm 2021.
Về giá bán, Nhà máy Z121 áp dụng chính sách bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng thông qua hệ thống các cửa hàng trên toàn quốc, giá bán sản phẩm là giá bán niêm yết của Nhà máy Z121. Nhà máy Z121 đã yêu cầu các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm pháo hoa của Nhà máy phải niêm yết giá sản phẩm tại cửa hàng, bán đúng giá được niêm yết và ban hành các biểu mẫu quản lý ghi đầy đủ các thông tin về người mua hàng, số lượng, chủng loại hàng hóa bán ra.
Để đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh, an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật, người tiêu dùng nên mua sản phẩm pháo hoa tại các cửa hàng, địa điểm kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.