Ngăn chặn chiêu lừa “con cấp cứu” lan rộng
TP.HCM: Chiêu trò lừa đảo "con cấp cứu" lan sang nhiều bệnh viện |
Những cuộc gọi lừa đảo
Hội phụ huynh Trường Tiểu học Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) mới đây đã phát đi cảnh báo về trường hợp chị T.M.H phụ huynh có con học lớp 4 tại trường suýt trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Để tìm hiểu rõ sự vụ, trao đổi với phóng viên, chị T.H.M cho biết, sau khi nghe điện thoại từ một số lạ gọi đến thông báo con bị ngã ở trường chấn thương nguy kịch, cô giáo đang chuyển bệnh viện cấp cứu. “Mặc dù cũng khá lo lắng, nhưng việc này đã được nhà trường cảnh báo, nên tôi cẩn thận gọi lại cô giáo chủ nhiệm để xác nhận thông tin nên chưa chuyển tiền”, chị T.H.M cho hay.
Trường Tiểu học Trung Văn tăng cường tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, học sinh và khuyến cáo tới phụ huynh nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa với các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo. |
Cũng với chiêu trò đánh vào tâm lý phụ huynh, anh P.M.C ở quận Tây Hồ, Hà Nội phản ánh, con trai lớn của anh đang học lớp 11 Trường THPT Chu Văn An, quận Tây Hồ. Trước đó, chiều 13/3, trong nhóm chat Zalo của phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm, cô giáo đã gửi tin thông báo của Ban giám hiệu tới các lớp với nội dung: “Hôm nay, có 2 phụ huynh của trường bị kẻ xấu giả danh giáo viên/nhân viên y tế trường gọi điện báo tin con đang ở viện cấp cứu cần chuyển tiền ngay để nhập viện. Kẻ xấu nắm rất rõ thông tin của học sinh và tên chính xác của giáo viên, kể cả môn dạy. Nếu cha mẹ học sinh nhận được tin nhắn, cuộc gọi tương tự thì liên hệ ngay với phó hiệu trưởng hoặc thầy cô chủ nhiệm để xác minh”.
Việc rất nhiều phụ huynh đã phản ánh, cũng như nhiều nhà trường phát đi cảnh báo về thủ đoạn trên cho thấy, các đối tượng lừa đảo đã chuyển sang “tấn công” đồng loạt cha mẹ học sinh trên địa bàn Hà Nội. Kẻ xấu thậm chí còn nắm rõ thông tin của học sinh, tên giáo viên dạy môn học…Được biết, trước đó, một phụ huynh ở Cầu Giấy (Hà Nội) cũng đã bị lừa 260 triệu đồng vì tin vào cuộc gọi “con bị tai nạn đang cấp cứu, phải chuyển tiền gấp để phẫu thuật”.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, việc hàng loạt phụ huynh bị lừa chuyển khoản hàng trăm triệu đồng sau khi nhận cuộc gọi với cùng một kịch bản “con bị chấn thương nguy kịch” khiến dư luận phẫn nộ. Nhiều bậc cha, mẹ mong muốn lực lượng chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra và xử lý nghiêm những kẻ có hành vi tung tin giả, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời làm rõ việc vì sao thông tin cá nhân của học sinh và phụ huynh bị lộ lọt, lỗi do đâu?
Phụ huynh cần cảnh giác
Việc Hà Nội xuất hiện tình trạng các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông gọi điện, nhắn tin cho người thân, phụ huynh học sinh thông báo con em trong gia đình bị tai nạn đang cấp cứu bệnh viện, cần chuyển tiền ngay để mổ và điều trị nhằm chiếm đoạt tài sản… đã gây lên phản ứng mạnh mẽ từ phía cha, mẹ học sinh. Một số người do biết thông tin từ trước nên không sập bẫy, nhưng vẫn có những bậc cha mẹ chưa nắm được thủ đoạn này.
Để sớm giúp phụ huynh đề phòng thủ đoạn của đối tượng lừa đảo, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục thông báo số điện thoại đường dây nóng của trường đến cha mẹ học sinh và công khai trên cổng thông tin điện tử của trường. Các trường cần có phương án tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin phản ánh về những sự việc và thủ đoạn lừa đảo để thông báo rộng rãi đến cha mẹ học sinh.
Các trường cũng cần rà soát kiểm tra đảm bảo an toàn thông tin của cán bộ giáo viên và học sinh, tăng cường phối hợp thông tin liên lạc giữa nhà trường và gia đình. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, giáo viên, học sinh và khuyến cáo tới phụ huynh, học sinh trong toàn trường ở tất cả các cấp học nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa với các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo.
Trước tình hình trên, Công an thành phố Hà Nội cảnh báo, khi nhận thông tin về việc người thân đang bị tai nạn…, người dân cần bình tĩnh, liên hệ cơ quan, công ty, trường học nơi người thân đang công tác, làm việc, học tập để kiểm tra, kiểm chứng thông tin. Trường hợp không có căn cứ rõ ràng (thông báo thu viện phí của cơ sở khám chữa bệnh…), người dân tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng để phòng ngừa việc bị đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Khi bị đối tượng lừa đảo hoặc phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất…
Luật sư Phạm Hải Long (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, chiêu lừa này hình thành tâm lý hoảng loạn, sợ hãi trong thời gian ngắn, khiến phụ huynh bất an, lo lắng, đặc biệt là khi chưa thu nhận đủ thông tin. Thêm vào đó, các đối tượng thường trình bày không rõ ràng, sử dụng ngôn ngữ tiêu cực, kích động cảm xúc (bị thương rất nặng, đang nguy kịch, không cấp cứu gấp sẽ tử vong…) để thao túng tâm lý nạn nhân.
Để tránh rủi ro, khi nhận được bất cứ thông tin gì liên quan đến con em mình, phụ huynh hãy bình tĩnh và tìm cách liên lạc với người trực tiếp dạy học, chăm sóc hay ở gần với con em mình nhằm kiểm tra thông tin. Bên cạnh đó, cần để ý các dấu hiệu đáng ngờ của thông tin như cách xưng hô khác biệt thường ngày, thời gian báo tin vào giờ nghỉ trưa, giữa đêm hay giờ tan tầm…
Minh Phương