Mạo danh phóng viên, cộng tác viên báo chí để chiếm đoạt tài sản
Người phụ nữ 68 tuổi mất trắng 15 tỷ đồng sau 32 lần chuyển khoản Tự nhận công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản |
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), vừa qua Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên vừa khởi tố đối với 8 đối tượng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, với thủ đoạn mượn danh, mạo danh cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí để đe dọa người khác chiếm đoạt tài sản.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Cục An toàn thông tin). |
Đối tượng làm giả bằng cấp rồi sử dụng để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, các đối tượng đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh… với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên của báo, tạp chí để thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở đó.
Khi tìm ra các sơ hở, thiếu sót của các cơ sở, các đối tượng gây sức ép, gợi ý để các cơ sở biết rõ hoặc ngầm hiểu nếu không đưa tiền cho các đối tượng thì sẽ bị báo đến chính quyền địa phương và viết bài phản ánh trên báo chí. Do lo sợ việc bị đưa thông tin trên báo chí sẽ ảnh hưởng đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất nên các cơ sở đã phải đưa tiền cho các đối tượng.
Các đối tượng tổ chức hoạt động theo từng nhóm liên huyện, liên tỉnh, trao đổi thông tin về các cơ sở cho nhau. Khi một đối tượng lấy được tiền ở một cơ sở bất kỳ thì sẽ thông tin lại cho các đối tượng khác biết để tiếp tục đến cơ sở đó, gây sức ép là phóng viên, cộng tác viên của báo, tạp chí khác nhằm cưỡng đoạt tài sản.
Đáng nói, tình trạng mạo danh các cá nhân, đơn vị nhằm mục đích lừa đảo xuất hiện ngày càng nhiều. Đại diện Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng cho biết, các đối tượng lừa đảo làm giả giấy mời của Chi cục Thuế để gửi cho các hộ kinh doanh trên địa bàn. Trong giấy mời thì có nội dung cần liên lạc qua Zalo với một số điện thoại lạ, nhằm mục đích tư vấn hoàn thuế, nhưng thực chất là khi người dân liên hệ sẽ đòi chi phí để thực hiện các thủ tục.
Những người cao tuổi là đối tượng luôn được các đối tượng chọn để thực hiện mục đích lừa đảo. Các đối tượng thường lợi dụng vào sự thiếu hiểu biết, không minh mẫn của người cao tuổi để thực hiện hành vi. Mới đây bà P (trú tại Hà Đông, Hà Nội) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an, sau đó bà P bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 15 tỷ đồng.
Trước những vụ lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần nâng cao kiến thức để bảo vệ bản thân trước các đối tượng lừa đảo mạo danh để tránh bị chiếm đoạt tài sản. Hiện nay, tình trạng làm giả giấy tờ, chứng chỉ, hồ sơ đang tràn lan trên mạng xã hội và được sử dụng vào những mục đích phi pháp. Các cơ quan, doanh nghiệp cần nhận biết và tìm hiểu rõ danh tính của đối tượng trước khi thực hiện bất kì một thoả thuận nào.
Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Người dân cần nâng cao cảnh giác, nếu gặp trường hợp lừa đảo tương tự cần báo ngay cho cơ quan chức năng, cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
N.Hoa