Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam xuất quân làm nhiệm vụ tại UNISFA
Dự kiến, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tới dự lễ xuất quân của Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tại sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Đây là lần đầu tiên, Việt Nam đưa một lực lượng lớn tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc kể từ khi bắt đầu tham gia vào tháng 6/2014 đến nay.
Nữ Quân y bệnh viện dã chiến 2.3 trước giờ trước giờ xuất quân ngày 24/3 |
Sau 8 năm, Việt Nam đã cử 76 lượt sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ Liên Hiệp Quốc tại phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và UNISFA; cử 189 lượt cán bộ, nhân viên y tế trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 tới Phái bộ Nam Sudan.
Lực lượng tham gia lần này gồm Đội công binh 184 người, đã có thời gian chuẩn bị hơn 5 năm, với nhân lực có chuyên môn cao. Đa phần là kỹ sư, chuyên gia máy, thợ xây dựng… bậc cao, được tuyển chọn từ 21 đơn vị để triển khai huấn luyện. Điểm đến lần này của các cán bộ, chiến sĩ sẽ là phái bộ UNISFA, có vị trí nằm ở Abyei, châu Phi.
Abyei là khu vực có diện tích hơn 10.000 km2, nằm ở biên giới giữa Sudan và Nam Sudan. Abyei được trao "quy chế hành chính đặc biệt" bởi Nghị định thư năm 2004 về Giải quyết Xung đột trong cuộc nội chiến Sudan.
Bên cạnh Đội công binh, Việt Nam tiếp tục cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan với biên chế 63 quân nhân, trong đó có 10 nữ quân nhân.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam |
Theo nhận định của Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, thời điểm hiện tại Đội công binh đã sẵn sàng, vùng với các trang thiết bị, vũ khí đã chuẩn bị và năng lực mà đội tiền trạm của Liên Hợp Quốc đã sát hạch. Liên Hợp Quốc đánh giá đội công binh của Việt Nam là đội tiêu biểu nhất trong số 15 đội công binh có nguyện vọng triển khai ở UNISFA và được chọn vào cuối tháng 10/2021.
“Nhiệm vụ của đội công binh do Liên Hợp Quốc đề xuất với phía Việt Nam gồm 2 nhiệm vụ chính: Xây dựng các công trình như sân bay, bến cảng, công trình thoát nước, lán trại, khoan giếng… phục vụ người tị nạn ở vùng biên giới; nhiệm vụ thứ hai là xây dựng nhà cao tầng… Đây là những nhiệm vụ mà một số quốc gia cần phải có thời gian chuẩn bị và huấn luyện tỉ mỉ về chuyên ngành. Lực lượng công binh Việt Nam đã có kinh nghiệm giải quyết những công trình quốc phòng phức tạp. Những công trình này đều nằm trong khả năng, phạm vi mà lực lượng công binh Việt Nam có thể hoàn thành tốt” – Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng cho biết.
Sau 8 năm tham gia các nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, hình ảnh người lính cụ Hồ đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè thế giới. Lãnh đạo Liên Hợp Quốc đã nhiều lần gửi thư khen, thư cảm ơn tới Chính phủ Việt Nam về những đóng góp tích cực của các chiến sĩ Việt Nam cho sứ mệnh gìn giữ hoà bình./.
Theo Võ Nam/VOV.VN