Hà Nội tăng cường kiểm tra nồng độ cồn sau kỳ nghỉ Tết
Phát hiện tài xế xe khách vi phạm nồng độ cồn "kịch khung" trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai Triệu tập người đàn ông có hành vi lăng mạ, chửi bới cán bộ tổ công tác 141 |
Vi phạm đã giảm
Tối 10/2, theo chân Tổ công tác Y14/141 - Công an thành phố Hà Nội lập chốt kiểm tra vi phạm nồng độ cồn tại nút giao Quán Sứ - Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), phóng viên báo Lao động Thủ đô ghi nhận, tất cả người điều khiển phương tiện có biểu hiện đã sử dụng rượu, bia đều được lực lượng chức năng xử lý nghiêm.
Các thành viên trong tổ công tác đều được quán triệt nhanh về quy trình kiểm tra nồng độ cồn và kiểm tra lại các thiết bị nghiệp vụ. Máy kiểm tra nồng độ cồn ở chế độ kiểm tra nhanh, tài xế chỉ cần thổi một lượng hơi nhỏ vào máy để phát hiện cồn. Cả quá trình kiểm tra định tính chỉ diễn ra trong khoảng 1- 2 phút, đảm bảo không gây phiền hà với tài xế. Khi phát hiện lái xe có cồn, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ yêu cầu lái xe xuống xe để kiểm tra định lượng (bước này sẽ cho đúng chỉ số vi phạm của tài xế).
Hà Nội tăng cường kiểm tra nồng độ cồn sau kỳ nghỉ Tết, nỗ lực kéo giảm vi phạm |
Toàn bộ ống thổi đều là loại ống dùng một lần để đảm bảo sức khỏe cho người được kiểm tra. Mỗi chiến sĩ được đeo 1 máy quay, ghi lại toàn bộ quá trình làm việc. Biển thông báo chốt đo nồng độ cồn, hàng cọc tiêu, dây phản quang… được lực lượng chức năng bố trí sẵn sàng cho ca làm việc nghiêm túc.
Theo ghi nhận, trong tối 10/2, rất ít trường hợp bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn, chủ yếu ở mức tối thiểu (dưới 50 mg/100 ml máu hoặc dưới 0,25 mg/1 lít khí thở), theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Đáng chú ý, cũng trong tối 10/2, khi bị lực lượng chức năng phát hiện vi phạm nồng độ cồn và tiến hành giữ phương tiện theo đúng quy định, 2 người đàn ông đã tỏ thái độ bất mãn, tuyên bố lại xe máy... Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp tuyên truyền, tất cả những lỗi vi phạm nồng độ dù ở mức cao hay thấp đều bị tạm giữ phương tiện; những trường hợp có biểu hiện chống đối, đều bị xử lý nghiêm.
Thiếu tá Nguyễn Văn Khương, Tổ trưởng Y14/141 cho biết, đơn vị được quán triệt xử lý nghiêm, không có chuyện xin xỏ, bỏ qua vi phạm, đặc biệt liên quan đến nồng độ cồn. Đáng mừng là sau Tết, số lượng xử phạt vi phạm nồng độ cồn giảm hơn nhiều so với thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán Quý Mão...
Số lượng xử phạt vi phạm nồng độ cồn giảm hơn nhiều so với thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán Quý Mão. |
Trước đó, trưa 10/2, Tổ công tác Y6/141 - Công an thành phố Hà Nội lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên đường Hoàng Quốc Việt (Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Sau gần 2 giờ đồng hồ, tổ công tác phát hiện tài xế N.N.G (sinh năm 1975, trú tại Hà Nội) điều khiển ô tô mang biển số 30E-566.XX, vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,142 mg/L khí thở. Tổ công tác đã lập biên bản xử phạt tài xế N.N.G với lỗi vi phạm nồng độ cồn và không có giấy phép lái xe. Với những lỗi trên, tài xế G. bị xử phạt đến 9,5 triệu đồng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Trong suốt ca công tác kéo dài 4 giờ đồng hồ, có 400 chủ phương tiện bị kiểm tra. Tài xế N.N.G cũng là trường hợp duy nhất vi phạm nồng độ cồn bị xử lý.
"Trước đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều người điều khiển ô tô, xe máy vi phạm nhưng giờ có những ca không phát hiện trường hợp nào. Mức độ vi phạm cũng giảm hẳn, hiếm thấy tài xế vi phạm ở mức kịch khung. Bên cạnh đó, việc can thiệp, xin bỏ qua cho người vi phạm nồng độ cồn cũng giảm rõ rệt. Nếu như trước kia, việc đầu tiên mà người vi phạm làm là rút điện thoại ra "cầu cứu" người thân thì bây giờ họ chấp hành ngay", Đại úy Mai Thành Huynh, Tổ trưởng Tổ công tác Y6/141 thông tin.
Hình thành thói quen đã uống rượu bia không lái xe
Phải nói rằng từ khi Công an các địa phương triển khai cao điểm xử lý mạnh tay vi phạm nồng độ cồn dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán vừa qua, trong các bữa tiệc tất niên hay mừng năm mới, là sự tuân thủ triệt để quy định đã uống rượu bia không lái xe của rất nhiều người dân. Mức phạt “kịch khung” lên đến 40 triệu đồng, tước bằng lái tới 24 tháng theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, khiến bất cứ tài xế nào cũng phải “dè chừng”.
Nhiều người dân đã ý thức hơn trong việc tuân thủ quy định pháp luật |
Anh Nguyễn Minh Tuấn (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) cho biết, uống rượu, bia sau đó lái xe là vi phạm pháp luật, song do nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, vẫn còn tình trạng cố tình vi phạm. Bản thân tôi mong muốn việc duy trì kiểm tra nồng độ cồn sau Tết của Công an Hà Nội cần được duy trì thường xuyên cả năm, qua đó, giúp người dân từng bước điều chỉnh, thay đổi hành vi, tạo nên thói quen lái xe an toàn, đã uống rượu, bia thì không khi lái xe.
Thay đổi một thói quen lâu ngày và từng được một bộ phận số đông thừa nhận là rất khó, nhưng để hình thành thói quen mới, trong trường hợp này là "đã uống rượu bia thì không lái xe", còn khó hơn nhiều. Một số chuyên gia trong ngành giao thông cho rằng, việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn mới chỉ là phần ngọn, quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa, phải làm thế nào để tất cả công dân đều ý thức được sự nguy hiểm của việc uống rượu, bia khi lái xe, từ đó hình thành được văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”.
Tăng cường kiểm tra nồng độ cồn giúp người dân từng bước điều chỉnh, thay đổi hành vi, tạo nên thói quen lái xe an toàn, đã uống rượu, bia thì không khi lái xe. |
Bên cạnh sự quyết tâm, kiên trì thực hiện các giải pháp đã đề ra của các cơ quan chức năng, từ đó tạo ra văn hoá trong chấp hành luật lệ giao thông. Giải pháp hiệu quả và thiết thực nhất đó là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong cấp ủy chính quyền địa phương, hệ thống chính trị, trong gia đình và nhà trường. Đây chính là gốc của vấn đề để kéo giảm vi phạm nồng độ cồn, ngăn chặn tai nạn giao thông xảy ra.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội, từ ngày 14/12/2022 đến 6/2/2023, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý hơn 10.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 57 tỷ đồng; tạm giữ hơn 10.000 phương tiện các loại, trong đó có 1.578 ô tô. Số lượng người vi phạm ở mức vượt quá 0,4 mg/L khí thở (mức kịch khung) là 1.524 trường hợp (chiếm 15,1%). |