Định danh tài khoản mạng xã hội sẽ hạn chế lừa đảo trên không gian mạng
Theo Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Việt Nam hiện có hơn 100 triệu dân, với hơn 70 triệu người sử dụng Internet. Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại (như tương tác qua mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin OTT...) để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.
Tới đây, chủ tài khoản mạng xã hội sẽ phải thực hiện định danh. (Ảnh minh họa) |
Tính riêng trong năm 2022, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Theo ghi nhận từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính: Lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24.4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%). Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.
Do người dùng có thể thoải mái lập tài khoản mà không cần định danh nên các tính năng của mạng xã hội đã bị nhiều người lạm dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài việc dùng tài khoản ảo, hack Facebook, Zalo... chiếm quyền đăng nhập vào tài khoản, nhắn tin cho bạn bè, người thân hỏi mượn tiền, không ít cá nhân sử dụng tài khoản ảo hoặc thật để livestream các nội dung xuyên tạc, để lại hậu quả nặng nề. Trước những thực trạng trên, đòi hỏi cần siết chặt quản lý, để môi trường mạng lành mạnh.
Phát biểu tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an đã có cơ chế phối hợp trong việc xác thực các tài khoản trên mạng.
Khi cơ quan điều tra ở địa phương làm văn bản đề nghị xác thực các tài khoản trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ có cơ chế phối hợp với Cục An toàn thông tin, Trung tâm Internet Việt Nam, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử xem chủ tài khoản đó là ai. Trong đó có trường hợp xác định được, có trường hợp còn gặp khó khăn do một số đối tượng phạm tội sử dụng tin nhắn bằng ứng dụng OTT xuyên biên giới.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian tới vấn đề trên sẽ được giải quyết bằng khuôn khổ pháp lý cụ thể khi Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Viễn thông sửa đổi.
Trong Dự thảo Luật quy định sẽ quản lý các ứng dụng OTT nước ngoài như là các nền tảng trong nước. Nghị định thay thế các Nghị định về quản lý và sử dụng thông tin trên mạng cũng đang được sửa đổi và sẽ ban hành trong năm 2023. Cụ thể, yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh. Việc này áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok…
Thực tế, thời gian qua trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều vi phạm, tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội.
Do đó, việc định danh tài khoản mạng xã hội là điều cần thiết, trước hết là để giải quyết những bất cập, khó khăn trong việc xác thực các tài khoản trên mạng nhằm ngăn chặn các đối tượng lợi dụng công nghệ để phạm tội trên không gian mạng.
Chia sẻ về yêu cầu định danh tài khoản mạng xã hội, nhiều người dùng thể hiện sự đồng tình và cho rằng thực hiện tốt quy định này sẽ hạn chế được tình trạng lừa đảo, tin giả… Qua đó góp phần thay đổi ý thức của người sử dụng mạng xã hội, chủ tài khoản sẽ có trách nhiệm hơn với thông tin mình đưa trên mạng xã hội, giúp cho môi trường thông tin trên các mạng xã hội trở nên lành mạnh hơn.