Đại biểu đánh giá cao kết quả tích cực trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Đại biểu đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ
Nhiều đại biểu đánh giá cao những kết quả tích cực trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội từ cuối năm 2021 đến những tháng đầu năm nay, cho rằng đây là những kết quả rất đáng trân trọng trong điều kiện dịch bệnh khó khăn.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về sự bền vững trong phục hồi, phát triển kinh tế trước những diễn biến phức tạp về chính trị, kinh tế trên thế giới và các vấn đề nội tại của nền kinh tế vẫn chậm được khắc phục.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ 12. (ảnh: QH) |
Thảo luận tại tổ Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, đặc biệt là chiến lược tiêm phủ vắc xin cùng các giải pháp quyết liệt trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ, trong đó Nghị quyết 128 của Chính phủ không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, mà còn bảo đảm an sinh xã hội, nhất là linh hoạt trong triển khai các giải pháp chống dịch. Nhờ đó, kết thúc 2021 mới có GDP đạt 2,58%, Hà Nội đạt 2,91%, từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh...
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn TP Hà Nội) đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2021 - một năm nhiều khó khăn, biến động khó lường, nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta đã vượt qua và đạt những kết quả nhất định.
Đại biểu cũng đánh giá cao công tác kiện toàn tổ chức bộ máy Nhà nước, tinh giản biên chế, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Qua giám sát tại các địa phương, đại biểu đoàn Hà Nội cho biết, kết quả khá khả quan, bộ máy tại các địa phương sau sắp xếp đã đi vào hoạt động ổn định, chỉ còn một số vướng mắc liên quan đến sắp xếp cán bộ dôi dư sau và tài sản công. Nhiều địa phương từ việc sắp xếp này đã tạo không gian phát triển mới.
Đại biểu còn đề cập đến một số bất cập cần sớm tháo gỡ liên quan đến cải cách hành chính trong triển khai cấp căn cước công dân gắn chíp, định danh điện tử, thủ tục liên quan đến phòng, chống dịch dịch, thanh toán bảo hiểm y tế cho những người mắc Covid-19...
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn thành phố Hà Nội) đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế xã hội . |
Nhu cầu đầu tư công rất lớn, trong khi nguồn lực còn khó khăn
Đại biểu Trương Xuân Cử (Đoàn TP Hà Nội) đánh giá những kết quả về kinh tế xã hội đạt được năm nay là tích cực, trong đó, nhiều địa phương, bộ, ngành đã có sáng kiến, năng động trong điều hành. Đại biểu cũng nhìn nhận, trong thực tế, 63 tỉnh thành đều có nhu cầu đầu tư công rất lớn, trong khi đó nguồn lực còn khó khăn. Vì vậy, vấn đề là chọn dự án thế nào để hiệu quả kinh tế cao, hiệu quả xã hội lớn để góp phần phát triển đất nước.
Cho rằng chúng ta vừa có một kỳ SEA Games thành công, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa mong muốn từ thành công của SEA Games sẽ lan tỏa sang các lĩnh vực khác. Đồng thời, cần duy trì, cần tận dụng hiệu quả, tránh lãng phí với các công trình đầu tư cho sự kiên này, tránh hiện tượng sau khi các sự kiện thể thao kết thúc thì bị lãng phí, sử dụng không hiệu quả. Điều này vừa giúp người dân được hưởng thụ nhiều hơn các thiết chế thể thao văn hóa này, vừa là nền tảng để phát triển thể thao sau này...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phân tích, tình hình năm 2021, trong khi các nước xung quanh và nhiều nước trên thế giới tăng trưởng âm thì chúng ta vẫn vượt 2,58%, bội chi ngân sách chỉ 3,41%, nợ công chỉ 43%, nợ Chính phủ chỉ 39%, nợ nước ngoài chỉ còn 38%...
Theo Bộ trưởng, đây là sự nỗ lực lớn trong lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ. Nhiều việc khó được tập trung bắt tay vào làm, Chính phủ đã hỗ trợ doanh nghiệp, giãn hoãn thuế đến 129 nghìn tỷ đồng, rồi hỗ trợ miễn giảm 37 loại thuế, phí cho doanh nghiệp, như thuế xăng dầu hàng không, thuế trước bạ… là nỗ lực lớn để giữ được, tạo được đà phát triển như thế này.
Đề cập đến nhiều thách thức từ tình hình chính trị, kinh tế thế giới, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, đất nước vừa trải qua đại dịch, vấn đề cốt lõi là làm thế nào để tăng năng lực cho nền kinh tế, muốn vậy phải phát triển được sức sống của doanh nghiệp, là động lực quan trọng nhất để phục hồi và phát triển kinh tế.
Muốn vậy mọi cấp, ngành phải tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, chính sách vốn, tiếp cận đất đai, quản lý làm thế nào để thúc đẩy doanh nghiệp, tạo được tiện ích cho doanh nghiệp.
Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội thảo luận tại tổ sáng 25/5. |
Kiến nghị Chính phủ sớm cho chủ trương tăng lương tối thiểu vùng
Theo đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh), để phục hồi bền vững trong điều kiện hiện nay, Chính phủ cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp tích tụ đất đai hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu để chủ động về nguyên liệu, xem đây là yếu tố quan trọng hỗ trợ phục hồi chuỗi cung ứng, hạn chế những tác động do đứt gãy chuỗi cung ứng thế giới, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Bên cạnh đó cũng cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào hệ sinh thái chuỗi giá trị của doanh nghiệp đầu chuỗi, hình thành cụm liên kết ngành, hệ sinh thái của doanh nghiệp.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thuý (Đoàn TP Hồ Chí Minh) lại đề cập đến vấn đề tiền lương cho người lao động không đủ trang trải cuộc sống. Đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm cho chủ trương tăng lương tối thiểu vùng. Hội đồng tiền lương quốc gia đã đề xuất tăng lương tối thiểu vùng lên 6%, mức tăng dù không nhiều nhưng thể hiện sự quan tâm của chúng ta đối với người lao động.
Cho rằng tăng 6% vẫn còn rất thấp, trong khi chỉ số trượt giá thì cao. Vì thế, đại biểu nhấn mạnh rất cần tăng lương tối thiểu vùng năm nay, làm nền tảng cho việc tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng trong năm tới, để tiệm cận hơn với cuộc sống của người lao động.
Theo Phương Thảo/laodongthudo.vn