Con trai, con gái bình đẳng trong hưởng thừa kế tài sản của bố mẹ
Nên đưa bố mẹ đi đăng ký khai sinh và đăng ký kết hôn |
Với không ít người, còn nhầm lẫn cho rằng người “nối dõi tông đường” là người duy nhất được hưởng thừa kế, con trai trưởng được hưởng thừa kế nhiều hơn, con nuôi thì không được hưởng thừa kế, chưa đủ 18 tuổi thì không được nhận thừa kế, người không có tên trong di chúc thì không được hưởng thừa kế, đi nước ngoài, thôi quốc tịch rồi thì không được hưởng thừa kế...
Tuy nhiên, những quan niệm nêu trên hoàn toàn không chính xác, vì theo pháp luật, con trai, con gái có quyền bình đẳng trong phân chia di sản. Theo Bộ luật Dân sự, những người thừa kế được phân chia theo các hàng thừa kế và trong trường hợp người để lại di sản không để lại di chúc thì những người ở cùng hàng thừa kế có quyền hưởng thừa kế ngang nhau.
Ảnh minh họa (ảnh: VGP) |
Hàng thừa kế thứ nhất gồm có cha, mẹ, vợ, chồng, con cái của người để lại di sản. Những người này không phân biệt quan hệ nuôi dưỡng hay ruột thịt, miễn là được công nhận hợp pháp (có giấy tờ chứng minh) thì đều có quyền hưởng di sản thừa kế như nhau - cha mẹ nuôi cũng như cha mẹ đẻ, con nuôi cũng như con đẻ, ở trong nước hay nước ngoài, có quốc tịch Việt Nam hay không... Trong trường hợp người để lại di sản không để lại di chúc, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất hoàn toàn có quyền được hưởng di sản.
Trong trường hợp người để lại di sản có để lại di chúc, cũng không có nghĩa là người có tên trong di chúc ngay lập tức có quyền được hưởng toàn bộ di sản. Vì pháp luật có quy định về những người được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
Cụ thể, những người được hưởng thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc gồm có: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con thành niên mà không có khả năng lao động.
Như vậy, giả sử người vợ hoặc chồng vì lý do nào đó mà để di chúc cho người khác hưởng toàn bộ di sản, không để lại cho vợ/chồng thì người vợ/chồng của họ vẫn có quyền hưởng một phần di sản, mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc đó.
Tuy nhiên, để được hưởng phần di sản trên thì người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc phải không từ chối nhận di sản và không thuộc trường hợp không có quyền hưởng di sản theo Điều 621 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Pháp luật cũng quy định chỉ có người có đủ năng lực hành vi dân sự (đủ 18 tuổi) mới có quyền từ chối hưởng di sản để nhường quyền hưởng di sản cho người khác.
Điều 621 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định 4 đối tượng không được quyền hưởng di sản thừa kế. Cụ thể gồm:
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.
- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.