Chuyên gia tội phạm học chỉ cách nhận diện tín dụng đen
Công đoàn Hà Nội giúp đoàn viên, người lao động tránh xa tín dụng đen Không để “tín dụng đen” còn đất sống Tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng đen |
Đây là chia sẻ của Thượng tá Đào Trung Hiếu - Tiến sĩ Tội phạm học, Cục Truyền thông, Bộ Công an tại buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến “Nâng cao kiến thức cho đoàn viên, người lao động về các chính sách mới và nhận diện tín dụng đen” do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Thanh Trì tổ chức mới đây.
Thượng tá Đào Trung Hiếu chia sẻ về nhận diện tín dụng đen và chỉ cách thoát bẫy. |
Thượng tá Công an Đào Trung Hiếu cho biết, tín dụng đen là hình thức cho vay với mức lãi suất cao (cho vay nặng lãi). Thời gian qua, tình trạng tín dụng đen hoành hành và diễn biến phức tạp, hình thức cho vay là tín chấp, với cách thức giải ngân nhanh.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 468, Bộ luật Dân sự, lãi suất tối đa là 20%/năm, tức 1.66%/tháng. Tuy nhiên với tín dụng đen, lãi suất có thể lên đến 1.000%; trong đó, phổ biến nhất là vay qua mạng, qua các app.
Người lao động thường “va” vào tín dụng đen khi có hoàn cảnh khó khăn song không dễ gì tiếp cận với các khoản vay ngân hàng. Hiện, mạng internet, điện thoại thông minh có các app vay, bởi vậy các đối tượng cho vay tín dụng đen dễ tiếp cận với người lao động.
Hiện nay, có hiện tượng các đối tượng tín dụng đen yêu cầu người vay cho đồng bộ hóa thông tin cá nhân trên điện thoại. Khi nợ đến hạn, các đối tượng dùng các thông tin cá nhân này để đòi nợ.
Nhiều đối tượng còn ghép ảnh những người liên quan, thậm chí người không liên quan người vay với những hình ảnh tục tĩu, phản cảm. Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, trong trường hợp, nếu có những cuộc gọi quấy rối thì bạn chặn số các cuộc gọi lạ. Trường hợp không muốn chặn cuộc số gọi lạ, bạn cần giải thích rất rõ cho các đối tượng biết họ đang vi phạm pháp luật và sẽ báo cơ quan chức năng xử lý. Nếu các đối tượng vẫn tiếp tục quấy rối thì bạn làm đơn trình báo cơ quan chức năng để được hỗ trợ giải quyết.
Trường hợp bị ghép ảnh nhạy cảm, lúc này vấn đề nghiêm trọng, bạn nên thu thập bằng chứng, chụp ảnh màn hình xác định việc tấn công trên mạng là thật, gửi đơn cơ quan công an, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông để yêu cầu làm rõ, xử lý đối tượng quấy rối, còn nếu im lặng việc quấy rối sẽ không dừng lại.
Đoàn viên công đoàn hỏi Thượng tá Đào Trung Hiếu về việc nhận diện tín dụng đen, những chiêu thức cụ thể, để tránh xa. |
Từ năm 2019 đến nay, Bộ Công an quyết tâm xử lý mạnh tín dụng đen và đã triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm liên quan đến tín dụng đen. Hiện giờ “tín dụng đen mặt đất” đã được ngăn chặn, tuy nhiên, tín dụng đen trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp và Bộ Công an đang đẩy mạnh xử lý.
“Khi dính đến tín dụng đen là chúng ta phải đối mặt với mức lãi suất rất cao, gây áp lực lớn đến tài chính. Mọi người cần hết sức hạn chế vay tín dụng đen. Nếu mọi người có nhu cầu vay thì nên tiếp cận các nguồn được pháp luật cho phép”, Thượng tá Đào Trung Hiếu đưa ra lời khuyên.
Trong trường hợp, khi vay tín dụng đen và đứng trước nguy cơ không thể trả nợ, bị quấy rối suốt ngày đêm, theo quy định của pháp luật thì không phải trả phần lãi suất vượt quá lãi suất pháp luật quy định. Cụ thể, Điều 468 của Bộ luật Dân sự quy định mức lãi suất là 20%/năm, vượt quá mức lãi này thì chúng ta không phải trả.
Hiện, có hiện tượng các đối tượng lách luật bằng cách vẫn cho vay ở mức lãi suất pháp luật cho phép, tuy nhiên lại cộng thêm các phụ phí khác. Nếu bạn dính đến tín dụng đen thì trước tiên cần thoát ra ngay. Trong trường hợp bị khủng bố tinh thần, bạn hãy dẫn những quy định của pháp luật và đề nghị ra tòa trong trường hợp cần thiết.
“Pháp luật có những thiết chế cụ thể để bảo vệ bảo vệ người dân, bởi vậy bạn cần tỉnh táo và nhờ cậy các cơ quan chức năng khi bị tín dụng đen khủng bố”, Thượng tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.