Cần “vaccine số” giúp bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng
Thông tin tại tập huấn "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025" do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ: Bên cạnh những lợi ích tích cực của Internet và mạng xã hội như giúp trẻ có thể tìm hiểu thế giới một cách dễ dàng; giúp gặp gỡ, giao lưu được với nhiều người; giúp chia sẻ tình cảm, thông tin… cũng có những mặt trái, tiêu cực là các thông tin giả, tin có nội dung xấu độc dễ tiếp cận với trẻ; khiến trẻ bị “nghiện” sử dụng… Điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi các em chưa ý thức được hết những nguy cơ rình rập trên mạng xã hội.
Đáng chú ý, theo đại diện Cục Trẻ em, trong 7 tháng đầu năm 2022, có 268 cuộc gọi tư vấn đến Tổng đài 111, với 3 nhóm vấn đề lớn: liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng chiếm tỉ lệ 31%; cách sử dụng internet an toàn chiếm 31,3%; tư vấn khi trẻ em bị dụ dỗ, gạ gẫm chiếm tỉ lệ gần 17%.
Liên quan đến các ca can thiệp, năm 2021, Tổng đài 111 có can thiệp 36 ca và 7 tháng đầu năm 2022 có 19 ca can thiệp.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ thông tin liên quan đến việc bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Trước thực trạng trên, tại Việt Nam đã có nhiều quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, như: Luật An toàn thông tin mạng (2015), Luật trẻ em (2016) quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (Điều 54), Luật Tiếp cận thông tin (2016), Luật An ninh mạng (2018) (Điều 29 - quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng)…
Chia sẻ về những công cụ hỗ trợ, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam thông tin, có 3 loại công nghệ bảo vệ trẻ em, bao gồm: công cụ có sẵn trên các hệ điều hành window, IOS, Android hoặc trên các trình duyệt; công cụ hỗ trợ: ứng dụng bảo vệ hỗ trợ và thiết bị mạng bảo vệ giám sát (wifi, gói cước viễn thông); các ứng dụng hỗ trợ: phản ánh, kiểm tra…
Theo đó, các công cụ hỗ trợ sẵn có trên các hệ điều hành như IOS, Android… có thể giới hạn thời gian sử dụng, giới hạn nội dung sử dụng, giúp bảo vệ trẻ khỏi các nội dung xấu độc.
Tuy nhiên, đại diện Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam cũng khuyến cáo, trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì cha mẹ cũng cần chú ý, theo dõi, giám sát hoạt động của trẻ khi tham gia không gian mạng.