Phạm tội với phụ nữ, trẻ em luôn nằm trong khung tăng nặng trách nhiệm hình sự
Tại hội nghị tuyên truyền pháp luật về phòng chống mua bán người và phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tổ chức, Tiến sĩ Đỗ Xuân Lân - Chánh văn phòng Đảng, Đoàn thể, Bộ Tư pháp, cho biết: Bộ Luật hình sự nhấn mạnh rất rõ: Trong hầu hết các tội phạm, nếu phạm tội với phụ nữ, trẻ em, luôn luôn nằm trong khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Còn phạm tội đối với phụ nữ khi họ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, ví dụ như phụ nữ đang nuôi con nhỏ, đang mang thai, đang bị xâm hại cũng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
“Có thể nói rằng, khi phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của xâm hại, thì bao giờ trách nhiệm pháp lý đối với người thực hiện hành vi vi phạm cũng nặng hơn so với người bình thường”, Tiến sĩ Đỗ Xuân Lân nhấn mạnh.
Ảnh minh họa (Nguồn: PNVN) |
Bên cạnh đó, phụ nữ, trẻ em luôn luôn là đối tượng phải tính đến, phải cân nhắc đến khi họ trở thành chủ thể của tội phạm. Bộ luật Hình sự quy định là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của phụ nữ khi họ rơi vào những hoàn cảnh đặc biệt.
Ví dụ về trường hợp có hành vi giết con mới sinh, có một ý rằng, người nào do nhận thức lạc hậu, thì trách nhiệm hình thì giết con sẽ bị xử tội giết người.
Hoặc nếu phụ nữ nuôi con nhỏ, đang mang thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi luôn nằm trong diện được giảm trừ trách nhiệm hình sự, trách nhiệm sẽ nhẹ hơn so với phụ nữ bình thường và nam giới.
Ngoài ra, trong mỗi luật khác nhau, có những quy định khác nhau liên quan đến vấn đề bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em. Ví dụ nếu cha mẹ ly hôn, con dưới 9 tuổi thì phải hỏi ý kiến của đứa trẻ để xác nhận ở với ai. Trường hợp con dưới 36 tháng tuổi thì ưu tiên người mẹ nuôi đứa con đó.
Một vấn đề đáng lưu tâm, nếu vợ chồng ly hôn thì tòa án sẽ phải cân nhắc đứa trẻ ở với ai thì có điều kiện chăm sóc tốt nhất. Tóm lại là lấy lợi ích tốt nhất của trẻ em làm căn cứ.
Cho nên trẻ em gái từ 13-15 tuổi, sau khi cha mẹ ly hôn thì thường ở với mẹ, bởi sự phát triển về mặt tâm sinh lý và giới của đứa trẻ đó sẽ được chăm sóc tốt nhất khi ở với mẹ. Tương tự như vậy, nếu là trẻ em trai thì sẽ ở với bố.
Khi một đứa trẻ sinh ra, dân gian có câu: “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”, để muốn nói về “thai giáo” - nuôi dưỡng con bằng tình thương yêu qua lời mẹ ru. Trong tố chất phát triển của một đứa trẻ, thì người cha cho con sự dũng cảm, người mẹ mang đến cho con tình thương yêu.
Ví như đứa trẻ bị ngã, người bố sẽ nói: “Đứng dậy, không sao!”, và đứa trẻ đứng dậy. Nhưng người mẹ thì xuýt xoa thương xót. Điều đó cho thấy, một đứa trẻ phát triển bình thường phải có sự kết hợp giữa tình thương và sự dũng cảm.
“Trẻ nào sinh ra không được nuôi dưỡng bằng lời ca tiếng hát của mẹ, của bà thì đời sống tâm hồn sẽ nghèo nàn. Như nhạc sĩ Trần Hoàn viết: “Giữa Mạc Tư Khoa tôi nghe, nghe câu hò xứ Nghệ...”.
Dòng máu dân gian chảy trong trái tim đứa trẻ, đến tất cả các tế bào. Đó là một truyền thống, đạo lý của người Việt. Và trong truyền thống, đạo lý ấy, bao gồm đạo lý tôn trọng, bảo vệ phụ nữ và trẻ em”, Tiến sĩ Đỗ Xuân Lân chia sẻ.