Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Đã giảm 152 chứng chỉ với công chức, viên chức
Tại phiên chất vấn của Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đại biểu Cao Mạnh Linh (Đoàn Thanh Hoá) dẫn đánh giá của Bộ Nội vụ cho biết hiện nay chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đang còn chưa đạt yêu cầu, chưa thực sự gắn với quy hoạch và yêu cầu của vị trí việc làm.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. (Ảnh: Quốc hội) |
“Tôi cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cùng với việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm thì cần chuyển hình thức bồi dưỡng bắt buộc theo ngạch hiện nay sang bồi dưỡng theo chức danh vị trí việc làm, đặc biệt cần chú trọng hướng đến đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của cơ quan, người được đào tạo bồi dưỡng để thực sự đáp ứng mục đích, nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, công chức, viên chức. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này”, đại biểu nói.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian vừa qua, đã có rất nhiều đổi mới về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, theo chức danh lãnh đạo và gần như là đã cắt giảm tối đa các loại chứng chỉ không cần thiết.
“Đã giảm 152 chứng chỉ, trong đó có 61/63 chứng chỉ công chức đào tạo, bồi dưỡng và 89/145 chứng chỉ đối với viên chức, là một gánh nặng rất lớn đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và chúng ta cũng giảm luôn cả chứng chỉ tin học và ngoại ngữ.
Như vậy, có thể nói là chúng ta đi vào thực chất, không phải là chạy theo chứng chỉ hình thức nữa và việc này được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của cử tri và của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 89 để điều chỉnh lại nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng thực chất trên cơ sở vị trí việc làm, chức danh lãnh đạo và đơn giản hóa, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhất là bồi dưỡng theo vị trí việc làm và bồi dưỡng theo chức danh lãnh đạo, đổi mới việc liên kết hợp tác để đào tạo cho một số các đối tượng đặc thù.
“Chúng tôi đã phân cấp triệt để vấn đề đào tạo, bồi dưỡng. Rất mong các địa phương, các bộ, ngành căn cứ vào Nghị định 89 cũng như Nghị định 101 để tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần này”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.