Từ vụ chó pitbull cắn chết bé trai 8 tuổi: Đừng để những quy định chỉ trên giấy
Giải bài toán “khát” sân chơi cho trẻ em |
Vụ việc chó pitbull cắn chết bé trai 8 tuổi xảy ra mới đây khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. Theo đó, ngày 22/7, bé T sang nhà bà nội (ngụ ấp Cầu 2, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, Bình Phước) chơi. Trong lúc bé T chơi ở phía sau nhà, con chó pitbull nặng hơn 30 kg đang bị xích gần đó bất ngờ tấn công, cắn liên tiếp vào tay và cổ bé. Sau khi được mọi người đuổi đánh con chó rồi nhanh chóng đưa bé vào bệnh viện nhưng bé T đã tử vong do vết thương quá nặng.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc đau lòng như vậy mà trong thời gian qua có nhiều vụ chó tấn công người đến tử vong. Vào cuối tháng 3/2019, một bé gái 2 tuổi ở Hà Nội từng bị chó Pibull tấn công khiến phải nhập viện với nhiều vết rách trên cơ thể. Hay vụ một bé gái 8 tháng tuổi ở Đội Cấn, Hà Nội bị chó nhà nặng 40kg cắn gây chấn thương sọ não, chấn thương vùng trán và tử vong. Người mẹ lao vào cứu con cũng bị chó cắn nhiều vết nặng.
Vào tháng 5/2021 ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An, chó pitbull đã tấn công làm tử vong một người trong quán cà phê. Khi chủ lao vào cứu cũng bị con chó cắn bị thương nặng… Còn rất nhiều vụ việc chó tấn công người xảy ra trong thời gian vừa qua nhưng gần như vẫn chưa có giải pháp để hạn chế.
Trong các công viên, nơi công cộng, không khó để bắt gặp những chú chó thả rông không rõ mõm như thế này |
Khi điều kiện sống tốt hơn, nhiều nhà chọn chó làm thú cưng nuôi trong nhà. Tuy nhiên, nhiều người nuôi chưa trang bị cho mình kiến thức cơ bản hay những quy định về nuôi chó mèo nên đôi khi đây là “niềm vui” của họ nhưng lại là sự sợ hãi, ám ảnh của nhiều người khác và cộng đồng.
Theo thống kê mới đây, ở Việt Nam trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 80-110 người chết vì bệnh dại, có khoảng 500.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng gây thiệt hại trên 500 tỉ mỗi năm.
Đã có nhiều quy định về việc nuôi chó mèo, trong đó chủ nuôi phải xích nhốt hoặc nuôi chó phải đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường. Khi đưa chó ra nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm, xích và có người dắt.
Chúng ta cũng đã có Nghị định quy định rõ việc xử phạt khi vi phạm về việc nuôi chó mèo, đặc biệt khi xảy ra việc chó tấn công, gây nguy hiểm đến tính mạng có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể, Nghị định 04/2020 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 90/2017) quy định rất rõ ràng về mức phạt đối với những hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa ra nơi công cộng. Thậm chí, theo các điều khoản quy định trong các Bộ luật Dân sự và Hình sự, tùy tính chất và hậu quả do chó gây ra mà chủ nuôi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Nhiều địa phương cũng đã cụ thể hóa quy định bằng những văn bản cụ thể như thành lập các đội bắt chó thả rông tại khắp các quận, huyện, thị xã; vận động người dân đưa chó đi tiêm phòng dại hay nuôi chó mèo phải đăng ký…
Nhưng trên thực tế, những quy định này vẫn chỉ là quy định trên giấy, việc xử lý mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đơn cử, cũng giống như nhiều phong trào “ra quân” khác, việc thành lập đội bắt chó thả rông ở Hà Nội, hay xử lý chủ nuôi không đeo rọ mõm cho chó khi ra đường, mới đầu được thực hiện rầm rộ và tạo sự kỳ vọng. Nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn, rồi đâu lại vào đó.
Ra đường, ở bất cứ thời điểm nào, không khó để bắt gặp nhiều chủ nuôi chó biến nơi công cộng, đường làng, ngõ phố thành khu vệ sinh cho thú cưng của mình. Họ vô tư dắt chó tè ị bậy rồi bỏ mặc không dọn, khi bị nhắc nhở còn lớn tiếng phản ứng.
Hay ở các công viên, nơi công cộng, không khó để bắt gặp những chú chó to đến 30-40 kg, thuộc các dòng hung dữ như becgie, như Pitbull, Husky, Tibetan Mastiff… vô tư đi lại hoặc đi cùng chủ mà không được được rọ mõm hay có các biện pháp phòng tránh nguy hiểm cho người xung quanh.
Nuôi chó là việc riêng của mỗi gia đình, nhưng lại ảnh hưởng, để lại hậu quả nghiêm trọng nếu người nuôi không trang bị cho mình những kiến thức cơ bản cũng như tuân thủ các quy định của pháp luật. Có lẽ vì thế, trong thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ chó cắn chết người, thực sự là nỗi ám ảnh của nhiều người.
Đã đến lúc cần có những biện pháp mạnh hơn trong việc quản lý về nuôi chó mèo. Từ việc chủ nuôi phải tuân thủ các quy định về đăng ký với cơ quan quản lý sở tại, các quy định nuôi chó mèo trong nhà và đưa vật nuôi ra nơi công cộng; quy định về kiểm dịch, tiêm phòng hàng năm cho vật nuôi...
Còn về phía cơ quan quản lý, cần có sự quản lý chặt chẽ khi cấp phép cho các chủ nuôi. Cùng với đó, phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt được tình trạng vật nuôi ở địa bàn mình quản lý, tránh tình trạng như hiện nay mạnh ai nấy nuôi, ai thích đưa chó đi tiêm phòng dại thì đi, không đi cũng không có sự nhắc nhở, xử phạt.
Đặc biệt, với những giống chó hung dữ như nhiều chuyên gia đã cảnh báo và thực tế đã xảy ra nhiều vụ cắn chết người như trong thời gian qua, cần có các quy định nghiêm ngặt khi cấp phép cho chủ nuôi, thậm chí có những loại chó có thể cấm nuôi trong khu dân cư.
Xử lý nghiêm những chủ nuôi vi phạm, tránh tình trạng mỗi khi xảy ra chuyện thì chỉ có sự tranh cãi của những người trong cuộc, mà hiếm thấy sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, ngoài những vụ việc nghiêm trọng như chó cắn chết người.
Chỉ khi chúng ta thực hiện đồng bộ, thường xuyên các giải pháp, tránh tình trạng chỉ xử lý hay “ra quân” khi có vụ việc thì mới mong giảm thiểu được những câu chuyện đau lòng, ám ảnh như vừa qua./.
Theo An An/vov.vn