Thanh Trì: Hiệu quả từ mô hình liên kết an toàn về phòng cháy chữa cháy
Chủ động từ doanh nghiệp
Huyện Thanh Trì hiện có Cụm Công nghiệp Ngọc Hồi và Cụm Công nghiệp làng nghề Tân Triều với trên 160 doanh nghiệp, sản xuất đa dạng ngành nghề như: Dệt may, cơ khí, giấy, điện tử, gỗ, tái chế và lông vũ…, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Là một công ty may có quy mô lớn trên địa bàn huyện Thanh Trì, vật liệu sản xuất và sản phẩm của công ty là vật liệu có nguy cơ gây cháy cao, Công ty may Hoàng Sơn (Cụm Công nghiệp Ngọc Hồi) hiểu rõ tầm quan trọng của việc PCCC.
Ông Lê Văn Sơn - Giám đốc Công ty may Hoàng Sơn cho biết: Công tác PCCC có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an toàn môi trường làm việc và tính mạng người lao động (NLĐ) nên Công ty đã lắp đặt đầy đủ các thiết bị PCCC.
Các doanh nghiệp tạo điều kiện cho NLĐ tiếp cận các thông tin, kiến thức, kỹ năng an toàn PCCC và CNCH. |
Cùng với đó, Công ty thành lập đội PCCC cơ sở theo đúng quy định của Luật PCCC. Hằng năm, Công ty này đều xây dựng và thực tập phương án PCCC phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở mình và phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC.
“Hiện Công ty đã tham gia Cụm liên kết an toàn về PCCC, khi xảy ra sự cố cháy, chỉ cần bấm nút báo cháy thông tin đó sẽ báo cho các doanh nghiệp trong cụm biết thông tin và tham gia chữa cháy ngay từ ban đầu”, ông Lê Văn Sơn cho biết.
PCCC là một vấn đề nóng được xã hội quan tâm, đặc biệt là trong thời điểm vừa qua xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhận thức về tầm quan trọng của công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công Công ty CP công nghệ thiết bị Tân Phát (Tân Phát ETEK) đã tăng cường các biện pháp PCCC và tập huấn cho toàn thể cán bộ, nhân viên và NLĐ.
Bà Trần Thị Hương, Chủ tịch Công đoàn Tân Phát ETEK cho biết, công ty này có trên 500 cán bộ, nhân viên và NLĐ, trong đó có hơn 300 cán bộ, nhân viên làm việc tại trụ sở. Là doanh nghiệp có số lượng NLĐ lớn nằm trên địa bàn huyện Thanh Trì, Tân Phát ETEK luôn coi trọng công tác công tác PCCC.
Tập huấn PCCC giả định tại khu công nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Trì. |
Ngoài liên tục mở các lớp tập huấn và phối hợp thực hiện các tình huống giả định nhằm nâng cao kiến thức và khả năng phòng bị về PCCC, Công đoàn Công ty đã tổ chức quán triệt đến cán bộ, nhân viên, NLĐ làm việc tại công ty các nội dung của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; Chỉ thị số 47/CT- TW ngày 25/6/2015 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác PCCC.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về PCCC và CNCH được Ban Giám đốc và Công đoàn đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục. Vào các dịp “Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ” và “Ngày toàn dân phòng chống cháy nổ” Công ty đã thực hiện treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về công tác PCCC tại địa điểm làm việc. Qua công tác phối hợp chỉ đạo, tuyên truyền đến nay cán bộ, nhân viên, NLĐ đã nắm rõ hơn về kiến thức an toàn PCCC.
Cũng theo Chủ tịch Công đoàn Tân Phát ETEK, Ban Giám đốc Công ty thường xuyên có ngân sách bổ sung cho công tác PCCC hàng năm, thay mới thiết bị PCCC, bỏ các vật tư thiết bị hết hạn sử dụng, tăng cường công tác tuyên truyền để NLĐ công ty thực hiện nghiêm túc các thao tác trong sử dụng thiết bị điện, tránh gây chập điện dẫn đến cháy, nổ. Các phòng ban cũng thường xuyên tự kiểm tra về các trang thiết bị PCCC nhằm phát hiện các nguy cơ có thế dẫn tới cháy nổ xảy ra để xử lý kịp thời.
Cán bộ, nhân viên, NLĐ Tân Phát ETEK nghe phổ biến kiến thức PCCC. |
Nhờ làm tốt công tác PCCC, trong 10 năm qua công ty không xảy ra cháy nổ, mất an toàn lao động. Trong thời gian tới, Công đoàn Tân Phát ETEK tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên và NLĐ về công tác PCCC. Thường xuyên phối hợp làm tốt công tác kiểm tra an toàn về phòng chống cháy nổ, kịp thời phát hiện những tồn tại, sơ hở, thiếu sót, khó khăn để khắc phục; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn lao động tại công ty.
Tại công ty có niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ. Kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực kinh doanh sản xuất. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị máy móc, hệ thống điện, lắp đặt thiết bị bảo vệ như cầu dao tự động, cầu chì cho hệ thống điện toàn cơ sở, từng khu vực, tách riêng biệt các nguồn điện: chiếu sáng, bảo vệ phục vụ thoát nạn, chữa cháy, nguồn điện sản xuất, sinh hoạt. Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn,...
Cùng với các doanh nghiệp, làng nghề, công tác quản lý nhà nước về PCCC luôn được huyện Thanh Trì quan tâm. Đặc biệt, huyện chỉ đạo dựng mô hình liên kết PCCC tại Cụm công nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa và chủ động xử lý kịp thời mọi tình huống hỏa hoạn ngay từ khi mới phát sinh.
Đẩy mạnh tuyên truyền và tập huấn PCCC
Triển khai Kế hoạch số 53/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về “tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng”, Công an huyện Thanh Trì tham mưu với các cơ quan chức năng yêu cầu triển khai và đưa vào hoạt động mô hình “Cụm liên kết an toàn PCCC” trong các Cụm công nghiệp, đảm bảo thực hiện đúng theo kế hoạch của Thành phố.
Đến nay, trên địa bàn huyện Thanh Trì đã thành lập 4 “Cụm liên kết an toàn PCCC” với 37 thành viên trong Cụm Công nghiệp Ngọc Hồi, 11 “Cụm liên kết làng nghề an toàn PCCC” tại xã Tân Triều. Mô hình này có tác dụng nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các đơn vị trong cụm. Phát huy phương châm “4 tại chỗ”, tận dụng thời gian vàng cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, giảm thiểu đến mức thấp nhất các sự cố hoả hoạn và thiệt hại do hoả hoạn bất ngờ.
Nhân viên Tân Phát ETEK thực hành biện pháp chữa cháy giả định. |
Thượng tá Lã Văn Tuyên - Phó Trưởng Công an huyện cho biết, thời gian qua, Công an huyện đã chủ động nắm bắt tình hình, đánh giá đúng thực trạng công tác PCCC tại các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp, chú trọng đến các cơ sở nguy cơ cháy nổ cao; tăng cường kiểm tra an toàn PCCC, hướng dẫn người đứng đầu cơ sở và lực lượng PCCC cơ sở thực hiện các biện pháp bảo đảm PCCC tại nơi làm việc.
Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác PCCC; kịp thời phát hiện, kiến nghị khắc phục những tồn tại, thiếu sót, vi phạm về PCCC cũng như đưa ra các biện pháp hiệu quả trong quản lý nhà nước về PCCC.
Nhằm bảo đảm an toàn PCCC, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra trong các Cụm công nghiệp, thời gian qua, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH – Công an huyện Thanh Trì đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ PCCC cho 100% NLĐ, người đứng đầu cơ sở.
100% đội viên Đội PCCC cơ sở đã được huấn luyện và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH. Nội dung tập huấn bám sát vào những kiến thức pháp luật cơ bản về công tác PCCC và CNCH; phương pháp tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC trong doanh nghiệp; biện pháp, kỹ thuật, đội hình chữa cháy; phương pháp xây dựng, thực tập phương án chữa cháy; tính năng, tác dụng và cách sử dụng trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ PCCC, CNCH thông dụng…
Qua các buổi tập huấn, NLĐ nắm bắt được những kiến thức cơ bản về công tác PCCC. |
Tại các buổi tập huấn, hoạt động diễn tập chữa cháy là một trong những nội dung chính được lực lượng cảnh sát PCCC quan tâm triển khai thực hiện với nhiều phương án giả định được xây dựng dựa vào các yếu tố về địa hình, quy mô nhà xưởng, nguyên liệu hàng hóa, lĩnh vực sản xuất của từng đơn vị, doanh nghiệp.
“Qua các buổi tập huấn, NLĐ nắm bắt được những kiến thức cơ bản về công tác PCCC; cách bảo quản phương tiện chữa cháy; phương pháp, biện pháp, kỹ thuật chữa cháy, quy trình tổ chức công tác CNCH khi có sự cố tai nạn; kĩ năng sử dụng các phương tiện chữa cháy được trang bị tại cơ sở như bình chữa cháy, hệ thống cấp nước chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm, cứu trợ người bị nạn”, Thượng tá Lã Văn Tuyên cho biết.
Thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và huyện Thanh Trì về tăng cường công tác PCCC trong các Cụm công nghiệp, thời gian tới, cùng với công tác kiểm tra, giám sát, Công an huyện Thanh Trì tiếp tục đôn đốc, phối hợp với doanh nghiệp triển khai tốt công tác tập huấn kỹ năng về PCCC cho NLĐ, lực lượng PCCC trong các doanh nghiệp.
Từ đó, nâng cao trình độ nghiệp vụ, tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm chủ động của doanh nghiệp, NLĐ trong việc ứng phó nhanh khi có cháy nổ xảy ra. Đồng thời, thường xuyên tập luyện, bảo đảm phương tiện, lực lượng, thường trực chiến đấu 24/24 giờ, góp phần thực hiện công tác phòng ngừa cháy nổ, tham gia chữa cháy kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra.
Ngày 3/1/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới; Bộ Công an ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về thực hiện công tác PCCC; trong đó chỉ đạo tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy” và “điểm chữa cháy công cộng” nhằm mục tiêu kịp thời, sẵn sàng về phương tiện, nhanh chóng huy động người dân tham gia chữa cháy, chớp lấy "thời điểm vàng", sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có cháy nổ xảy ra tại khu dân cư, nhà ở với phương châm: Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần ở trong dân - Chỉ huy ở trong dân. |